Tại đầu cầu Ninh Bình có các đồng chí: Bùi Văn Phương, TUV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên đầu tiên của Chính phủ trả lời chất vấn tập trung vào trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu; kết quả thực hiện chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"; giải pháp xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước; tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước…
Trả lời câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong nước, Bộ trưởng Công thương cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2014, có hiện tượng thương lái nước ngoài thu mua ồ ạt một số nông sản như: cây huyết đằng tại tỉnh Kon Tum; lá khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long; thu mua cây Culi, cây lông khỉ (cây kim mao cẩu tích) tại Nghệ An; mầm thảo quả tại Hà Giang...
Ngay sau khi có thông tin, Bộ đã yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố tiến hành phổ biến, tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài trên địa bàn, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát các cá nhân người nước ngoài tham gia thu mua hàng hóa cũng như đứng sau thương lái người Việt.
Ngoài ra, Bộ cũng đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và các nước trong khu vực chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững, lâu dài đối với sản phẩm nông sản, thủy sản; chỉ đạo Cục xúc tiến thương mại xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp để xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường nước ngoài.
Đồng thời thành lập Tổ cơ động của Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố để điều tra, xử lý kịp thời một số vụ việc cấp bách, có tính chất phức tạp diễn ra trên nhiều địa bàn.
Về tình trạng xuất lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương cả trên đường bộ và đường biển. Lợi dụng quy định được phép xuất khẩu khoáng sản đang tồn kho, một số doanh nghiệp đã "lách luật" khai báo khống số lượng quặng đang tồn kho tiếp tục xuất khẩu.
Để xử lý, ngăn chặn việc xuất lậu khoáng sản qua biên giới, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Ban chỉ đạo 127, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa trái phép trên thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tay cho hoạt động xuất lậu khoáng sản qua biên giới.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những đội tàu thuộc các công ty nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các loại phương tiện khác có dấu hiệu hoạt động buôn lậu, vận chuyển quặng và các loại khoáng sản trái phép ra nước ngoài.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng, dầu và việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Để bình ổn giá, năm 2013 và đầu năm 2014, liên Bộ Tài chính - Công thương đã nhiều lần yêu cầu các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thậm chí yêu cầu các thương nhân đầu mối cắt giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá cơ sở.
Hiện nay, Quỹ Bình ổn giá đang phải chi sử dụng 300 đồng/lít xăng và các thương nhân đầu mối chưa được tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa (chỉ được tính 150 đồng/lít, tương đương 50% định mức quy định).
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu, bảo đảm phản ánh kịp thời xu hướng giá thế giới, đồng thời tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang chuẩn bị ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều điểm mới nhằm tạo môi trường kinh doanh xăng dầu ngày càng cạnh tranh hơn; tăng tính công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá...
Đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", Bộ đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản, tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách pháp luật về bảo vệ và phát triển thị trường trong nước không trái với các quy định của WTO; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng Việt và các hoạt động thiết thực để thúc đẩy phát triển thương hiệu Việt…
Trong 4 năm qua, Bộ đã tổ chức gần 1.700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 13.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút gần 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm đạt doanh thu hơn 1,78 nghìn tỉ đồng; tổ chức 1.554 hội chợ, triển lãm, thu hút 72.450 lượt doanh nghiệp tham gia, với doanh thu bán hàng khoảng 11.839 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ còn tổ chức các lễ ký kết thỏa thuận phối hợp đưa hàng Việt Nam về địa phương giữa Sở Công thương các tỉnh, thành phố và các Hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị chắp nối cung cầu..., đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn do doanh nghiệp sản xuất vào hệ thống phân phối.
• Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục phiên trả lời chất vấn tập trung vào các nhóm giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; công tác quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân, giá thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Trả lời câu hỏi về tình trạng xuống cấp về y đức, Bộ trưởng Y tế thẳng thắng nhìn nhận, trong thực tế, vẫn còn một số ít cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất và đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực gây phiền hà cho người bệnh nhân.
Để nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, Bộ đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp từ đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với các sinh viên trong các trường y, dược; xây dựng bộ Quy tắc ứng xử cho 100% viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế; củng cố và thiết lập các đường dây nóng; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm gắn với khen thưởng, khuyến khích các tập thể, cá nhân làm tốt… Qua đó đã từng bước chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Về công tác quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân, trong những năm qua, Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện để hệ thống y tế tư nhân phát triển, nhiều bệnh viện tư nhân đã ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho nhân dân, góp phần giảm tải bệnh viện công lập.
Tuy nhiên, một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép. Lạm dụng cận lâm sàng (xét nghiệm, X quang...) nhằm thu lợi nhuận cao. Cá biệt có nơi coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết...
Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã chỉ đạo Thanh tra các Sở Y tế phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Du lịch thường xuyên kiểm tra và giám sát việc quảng cáo về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép. Tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng phần mềm tin học quản lý việc cấp chứng chỉ hành nghề để áp dụng trong toàn quốc...
Trả lời câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng giá một số mặt hàng thuốc trúng thầu tại các bệnh viện còn chênh lệch, một số trường hợp bất hợp lý, Bộ Trưởng cho biết, hiện Bộ Y tế đã ban hành các quy định mới về đấu thầu, trong đó sẽ quy định việc phân chia gói thầu theo từng nhóm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và bảng điểm chấm thầu thống nhất toàn quốc đảm bảo sự công khai, minh bạch và cạnh tranh công bằng trong các gói thầu nhằm hạn chế tối đa hiện tượng chênh lệch giá bất hợp lý giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Liên quan đến các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng xử lý vi phạm ở các địa phương; giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng; đồng thời phối hợp kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là các tỉnh có biên giới.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình điểm về bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, vùng nguyên liệu an toàn gắn với hỗ trợ các đơn vị áp dụng mô hình quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến như: GMP, HACCP; đẩy mạnh phối hợp liên ngành nhất là các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác vận động, tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm...
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát; đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.
Quốc Khang