Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình trong phiên chất vấn buổi sáng có đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; các vị trong đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Nho Quan.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị cử tri và dư luận xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn lĩnh vực liên quan đến Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ Công an tại kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để phiên chất vấn đạt kết quả cao, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu đặt câu hỏi đúng nhóm vấn đề, ngắn gọn, các Bộ trưởng trả lời rõ từng vấn đề, trong đó nêu rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trong phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trả lời chất vấn của các đại biểu xung quanh nhóm vấn đề: Thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận dịch vụ thiết yếu cơ bản như: giáo dục, y tế, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo...
Cùng tham gia tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Với tinh thần thẳng thắn, nhận trách nhiệm, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trả lời làm rõ nhiều vấn đề mà các đại biểu nêu. Trong đó khẳng định: Thời gian qua, mặc dù ngân sách Nhà nước tuy còn khó khăn nhưng các chính sách dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp với các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, với ngân sách địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng hiện chính sách dân tộc vẫn còn chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý, phân tán nguồn lực, khó khăn trong chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do một số chính sách chưa xác định rõ nguồn lực; có chính sách chưa cân đối hoặc cân đối thấp; chính sách kéo dài tương ứng nhiệm kỳ nên giữa hai nhiệm kỳ thì chính sách chưa được triển khai liên tục; đồng bào sinh sống ở nơi khó khăn về địa lý, khí hậu, nhận thức còn hạn chế...
Về giải pháp trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm tham mưu của Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương tiếp tục phối hợp để khắc phục những điểm còn tồn tại và góp phần thực hiện tốt hơn nữa nhiều chính sách dân tộc.
*Trong phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí: Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; các vị trong đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo Bệnh viện sản -nhi Ninh Bình.
Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời chất vấn của các đại biểu về các nhóm vấn đề: tội phạm kinh tế; tội phạm sử dụng công nghệ cao; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia; tội phạm giết người; nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn trạng gia tăng tội phạm xâm hại trẻ em; công tác điều tra, khởi tố đối với loại tội phạm lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ, trong đó có việc khởi tố các vụ việc vi phạm gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua; giải pháp ngăn chặn tội phạm cướp giật tại các thành phố lớn, tội phạm "tín dụng đen"; việc kích động biểu tình, gây rối; công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Trả lời đại biểu về việc điều tra, khởi tố các đối tượng lợi dụng quyền hạn để có hành vi gian lận tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 này mới có mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước. Để phòng chống những thủ đoạn này thì cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… một cách chặt chẽ. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Bộ sẽ tổ chức lực lượng chuyên trách, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng chống, điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã tham gia giải trình về những vấn đề có liên quan; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu làm rõ vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định phiên chất vấn tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội theo hướng "hỏi nhanh, đáp gọn". Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nghiêm túc tiếp thu các ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Các kết luận của phiên chất vấn là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành.
Mai Lan - Thế Minh