Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện Bệnh viện đang quản lý hơn 5.500 bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân nội trú điều trị thường có trên dưới 1.500 bệnh nhân. Năm 2017, Bệnh viện thực hiện khám bệnh cho gần 300 nghìn lượt người và điều trị nội trú cho gần 50 nghìn lượt người bệnh. Trong đó, bệnh đái tháo đường là 36.000 lượt ngoại trú, điều trị nội trú trên 9.000 lượt. Thời gian cao điểm, có ngày khoa Khám bệnh tiếp đón khoảng 1.500 người bệnh, trong đó người bệnh đái tháo đường có trên 400 bệnh nhân.
Trước thực tế số bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ngày càng tăng, trong đó bệnh nhân đái tháo đường chiếm tỷ lệ khá cao, dễ dẫn đến tình trạng quá tải nếu không có phương án đón tiếp, phân loại khám bệnh hiệu quả. Hiện tại khoa khám bệnh - Bệnh viện đa khoa tỉnh được chia làm 2 khu đón tiếp: Khu A và khu B, với 6 bàn tiếp đón hoạt động liên tục nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu số lượng bệnh nhân hàng trăm người tập trung vào đầu giờ hành chính hàng ngày có nhu cầu được khám bệnh.
Việc ùn tắc tại khu vực tiếp đón là nguyên nhân nhẫn đến bệnh nhân được vào khám chậm, đi thực hiện các thủ tục cận lâm sàng và nhận kết quả chậm, kết thúc khám muộn, có người mất cả ngày đi khám bệnh. Đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường thường phải nhịn ăn sáng để làm các xét nghiệm; khi gặp tình trạng quá tải tại khu vực tiếp đón, nhiều bệnh nhân dễ gặp tình trạng hạ đường huyết trước khi đến lượt được tiếp đón và khám bệnh, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Theo đó, thay vì phải xếp hàng từ sớm tại bệnh viện để lấy số thứ tự và chờ đến lượt khám bệnh; thì nay, người bệnh đái tháo đường chỉ cần xếp hàng xuất trình thẻ; nhân viên y tế quẹt thẻ, chọn phòng khám và in phiếu tiếp đón cho bệnh nhân; máy đọc thẻ tự động đọc và load thông tin của bệnh nhân trong kho dữ liệu phần mềm và hiển thị ra cửa sổ có các lựa chọn phòng khám. Bệnh nhân ra phòng khám tương ứng với số ghi trên phiếu tiếp đón và đợi đến lượt khám (số thứ tự khám được ghi trên phiếu tiếp đón).
Bác sĩ Phạm Quốc Kim, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Để triển khai sử dụng được thẻ khám bệnh thông minh bao gồm việc cài đặt thiết bị, phần mềm tại bệnh viện; tích hợp giải pháp với hệ thống thông tin mà Bệnh viện đang sử dụng; đồng thời nhân viên của Bệnh viện cũng cần được đào tạo về quy trình sử dụng, ứng dụng thẻ…
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, hệ thống thẻ thông minh sử dụng cho người bệnh đái tháo đường đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Thẻ thông minh có rất nhiều ưu điểm, ngoài đảm bảo sự nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu thời gian chờ đợi, giảm tình trạng ùn tắc cho người bệnh, giảm được sai sót so với nhập mã thẻ bằng tay; còn giúp quản lý người bệnh chặt chẽ, đúng lịch hẹn, tiết kiệm được nhân lực…
Thời gian tới, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả của thẻ khám bệnh thông minh, không chỉ đối với người bệnh đái tháo đường mà hướng tới tất cả các đối tượng đến khám chữa bệnh đều sử dụng thẻ khám bệnh thông minh. Đồng thời, Bệnh viện cũng tăng cường tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng thẻ thông minh để người bệnh chấp nhận, tích cực sử dụng thẻ với số lượng ngày một tăng, nhất là đối với những người mắc bệnh mãn tính, góp phần cải cách thủ tục hành chính cho người bệnh và nhân viên y tế, dành thời gian làm công tác khám chữa bệnh chuyên môn.
Huy Hoàng