Tỉnh Ninh Bình có diện tích rừng và đất trong quy hoạch lâm nghiệp khoảng 30.652 ha. Trong đó, tổng diện tích rừng tự nhiên là 22.048 ha, tổng diện tích rừng trồng là gần 3.375 ha, tổng diện tích đất chưa có rừng là 5.229 ha. Nhiều địa bàn diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm một tỷ lệ nhỏ, phân bố không tập trung, manh mún, nằm xen kẽ với đất vườn, đất 313 của người dân, đất khai hoang của dân nhưng chưa được giao. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Những năm trước đây, việc xác định vị trí, ranh giới rừng và đất lâm nghiệp với các loại đất khác của người dân canh tác hoặc các khu mỏ thường sử dụng bản đồ địa hình bằng giấy. Phương pháp này độ chính xác chưa cao và có nhiều hạn chế, nên không tạo được sức thuyết phục đối với người vi phạm.
Tại Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình trước năm 2016, máy định vị chỉ được sử dụng để hỗ trợ kiểm lâm địa bàn trong việc xác định tọa độ, đo đếm diện tích, dẫn đường và chưa cập nhật ngay được vào bản đồ hiện trạng rừng. Chia sẻ về ý nghĩa của ứng dụng phần mềm Global mapper để đưa lớp bản đồ hiện trạng rừng vào máy định vị GPS Garmin 78.
Đồng chí Ninh Thị Niên, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tam Điệp, đồng tác giả thực hiện giải pháp cho biết: Theo quy định, cứ 1.000 ha rừng phải có một biên chế kiểm lâm địa bàn hoặc xã có 500 ha rừng có một kiểm lâm địa bàn phụ trách. Nhưng trên thực tế của đơn vị, kiểm lâm địa bàn một người phải phụ trách khoảng 2.000 ha rừng hoặc tới 5 xã. Sử dụng tính năng của máy định vị GPS Garmin 78, kết hợp với phần mềm chỉnh sửa bản đồ Global mapper để đưa lớp bản đồ nền hiện trạng rừng lên máy định vị GPS, làm cơ sở cho việc xác định vị trí, ranh giới và các thông tin cần thiết về rừng ngoài thực địa trên bản đồ.
Trước đây, nhiều vụ người dân đã canh tác đến hết ranh giới của mình, bắt đầu sang ranh giới rừng nhưng chưa được phát hiện kịp thời, nhắc nhở và ngăn chặn nên dễ dẫn đến vi phạm vào đất rừng. Để xác định được kết quả có vi phạm đất rừng hay không, công chức kiểm lâm cần khoảng 2 đến 5 tiếng và phải đi lại nhiều lần. Vì vậy, mất nhiều thời gian, công sức trong khi thi hành công vụ vì chưa tạo được tính thuyết phục đối với người vi phạm.
Đến nay, khi sử dụng máy định vị GPS Garmin 78 đã được cài đặt chỉ cần thao tác vài phút đã cho ra kết quả có vi phạm hay không và những thông tin cần thiết để kết luận. Thông số kỹ thuật máy định vị GPS Garmin 78 đã được các cấp thẩm định sai số nằm trong khoảng từ 0 đến 3 m so với ngoài thực địa. Độ nhạy thu sóng vệ tinh của máy GPS cao nên xác định vị trí nhanh chóng, chính xác, có thể nhận cùng một lúc 12 vệ tinh và sử dụng tối thiểu 3 vệ tinh để tính toán và cập nhập vị trí, vì thế cho ngay kết quả cần thiết về rừng như: Lô, khoảnh, chủ rừng, mã 3 loại rừng...
Được biết, trong giải pháp công nghệ này, nhóm tác giả đã vận dụng những tính năng sẵn có của máy định vị cầm tay GPS Garmin 78 để đưa lớp bản đồ rừng của Bản đồ kết quả kiểm kê rừng năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt vào máy định vị để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
Đặc biệt, tính mới và giải pháp cải tiến đã được nhóm tác giả đưa ra đó là lược bỏ bớt các trường thông tin thứ yếu, đồng thời tạo nhãn hiển thị 5 trường thông tin quan trọng sử dụng khi thực hiện. Thao tác lược bỏ bớt các trường thông tin thứ yếu (52 thông tin) và tạo nhãn 5 trường thông tin quan trọng gồm: lô, khoảnh, mã 3 loại rừng, mã ngoài quy hoạch, trạng thái rừng.
Nhờ tính ưu việt của giải pháp kỹ thuật, đến nay, 100% kiểm lâm viên của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp đã được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng và sử dụng thành thạo công nghệ. Việc thực hiện giải pháp ứng dụng phần mềm Global mapper để đưa lớp bản đồ hiện trạng rừng vào máy định vị GPS Garmin 78 giúp Hạt kiểm lâm Tam Điệp hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc.
Kết quả ứng dụng giải pháp trong năm 2017- 2018 (14 tháng), Hạt kiểm lâm Tam Điệp đã tăng hiệu quả tuần tra, kiểm tra, kiểm soát rừng và đất lâm nghiệp trong địa bàn. Hạt và các cơ quan chức năng, địa phương đã xử lý 8 vụ về hành vi vi phạm bảo vệ rừng, thời gian có kết quả trung bình là 26 phút/vụ; xác định vị trí 5 vụ cháy rừng trên địa bàn đơn vị quản lý, thời gian có kết quả trung bình là 4 phút/vụ; xác định vị trí, ranh giới để nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời 15 trường hợp có nguy cơ vi phạm tài nguyên rừng, thời gian có kết quả trung bình là 7,73 phút/vụ.
Với những hữu ích về kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, xã hội của giải pháp ứng dụng phần mềm Global mapper để đưa lớp bản đồ hiện trạng rừng vào máy định vị GPS Garmin 78 phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, sáng kiến đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là Sáng kiến cấp tỉnh năm 2018 và Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ IX (2018-2019) xét tặng giải Nhì trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.
Thành công của giải pháp làm cơ sở, tiền đề cho các đơn vị khác trong Chi cục Kiểm lâm áp dụng. Không riêng lĩnh vực lâm nghiệp, các lĩnh vực như: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý đê điều… cũng có thể vận dụng ý tưởng của giải pháp, áp dụng công nghệ này trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Nguyễn Minh