Hiệu quả vượt trội Tại xã Khánh Hội (Yên Khánh), mô hình ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh cho biết: Năm 2016, Công ty thuê 13 ha đất sau khi dồn điền, đổi thửa của xã Khánh Hội để thực hiện dự án trồng rau sạch xuất khẩu. Xác định sản xuất nông nghiệp phụ thuộc phần lớn vào khí hậu, do đó để thành công cần có biện pháp "chế ngự" những ảnh hưởng của thời tiết.
Chính vì vậy, tại đây Công ty đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng làm hệ thống kênh mương và ao nổi, ao chìm để chủ động hoàn toàn về tiêu thoát nước, hạn chế ảnh hưởng do thời tiết gây ra. Không sử dụng nước mặt từ kênh mương, sông ngòi như cách sản xuất truyền thống của bà con nông dân, Công ty đã khoan giếng ở độ sâu gần 200m để lấy nước sạch lên ao nổi và nước từ ao sẽ đi vào hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho cây trồng. Quá trình chăm sóc hoàn toàn sử dụng bằng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học.
Đặc biệt, phân nước được pha vào ao chứa, trực tiếp đi vào hệ thống đường dẫn tự động tưới cho cây. Toàn bộ diện tích đất thuê được trồng các loại cây hàng hóa như: Dưa bao tử, ớt, cà chua... Hầu hết các cây trồng đều cho năng suất cao, tỷ lệ rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết thấp, hiệu quả kinh tế mang lại gấp 3 -4 lần so với phương pháp sản xuất truyền thống. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sạch đã giúp Công ty chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thủy sản Bình Minh, huyện Kim Sơn cũng cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Năm 2016, Công ty bắt đầu thuê 7ha đất nhiễm mặn, cấy lúa kém hiệu quả của Công ty TNHH MTV Bình Minh triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Công ty đã đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng khu nuôi thủy sản tập trung với hệ thống ao nuôi hiện đại và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới, như: Hệ thống ao nuôi, ao ươm, ao xử lý nước đều được bê tông hóa bờ, đáy; riêng ao nuôi có diện tích 2,6 ha được làm mái che hình chóp nón, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ.
Việc bê tông hóa bờ, đáy và làm mái che sẽ giúp ao nuôi chống rét, giữ ấm về mùa đông và chống nắng vào mùa hè, nhiệt độ ao nuôi luôn đảm bảo. Bên cạnh đó, mái che còn có tác dụng chống gió bão, che chắn lượng mưa lớn, giúp cho ao nuôi luôn giữ được độ mặn hợp lý.
Ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thủy sản Bình Minh cho biết: Với việc đầu tư công nghệ cao trong sản xuất giúp con tôm phát triển ổn định, ít bị ảnh hưởng do tác động của ngoại cảnh và thời tiết.
Đặc biệt vào mùa đông, sau khi thu hoạch 2 vụ chính gần như những ao nuôi quảng canh các hộ dân đều để nghỉ vì con tôm khó phát triển, nhưng những diện tích nuôi công nghệ cao của Công ty vẫn duy trì sản xuất 4 vụ/năm. Đây là mô hình rất mới, ở miền Bắc hiện chỉ có Ninh Bình làm được nuôi tôm cả vụ đông.
Qua 1 năm sản xuất, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Tôm thành phẩm đảm bảo chất lượng và có năng suất từ 20-25 tấn/vụ/ha. Doanh thu một năm của Công ty đạt trên 20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí có lãi hơn 7 tỷ đồng.
Tăng cường giải pháp thu hút đầu tư
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là một trong những Nghị quyết được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp đánh giá cao.
Bởi đi kèm với Nghị quyết, tỉnh ta có đầy đủ cơ chế chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh; Kế hoạch 36 của UBND tỉnh và các hướng dẫn tổ chức thực hiện của các sở, ngành chức năng. Việc ban hành Nghị quyết 05 phù hợp với điều kiện và tình hình sản xuất của tỉnh cũng như phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện nay.
Toàn tỉnh đã và đang triển khai 139 mô hình, chương trình, dự án, trong đó có 20 mô hình, 7 dự án ứng dụng công nghệ cao. Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt và có tiềm năng nhân rộng, như: Mô hình rau an toàn trong nhà lưới, nhà kính, ứng dụng tưới phun mưa, nhỏ giọt được bắt đầu từ xã Mai Sơn, Yên Mô, nay đã nhân ra nhiều địa phương trong tỉnh như Khánh Thành, Khánh Hồng (huyện Yên Khánh), Gia Viễn, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình…
Mô hình sản xuất rau an toàn xuất khẩu, sử dụng tưới nhỏ giọt, cáp treo làm giàn ở Khánh Cư, Khánh Hội, Khánh Cường (huyện Yên Khánh) có giá trị thu hoạch từ 400-500 triệu đồng/ha/vụ, tương đương khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, có giá trị bình quân 1ha đạt 9-10 tỷ đồng/năm, hiện đang nhân rộng ra các xã ven biển...
Mặc dù đã khẳng định hiệu quả kinh tế nhưng hiện nay việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta còn ít. Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thủy sản Bình Minh Vũ Hải Đường cho rằng, một trong những nguyên nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đẩy mạnh đó là: Vốn đầu tư lớn, ví dụ cụ thể tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thủy sản Bình Minh đã phải đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng mô hình.
Trong khi đó tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư nhưng vẫn còn hạn hẹp, các tổ chức, cá nhân cần vay vốn thì thiếu thông tin, khó tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Theo ông Nguyễn Trương Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra từ ứng dụng công nghệ cao còn gặp khó khăn, chưa thực sự khác biệt giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm sản xuất thông thường, vì vậy giá cả chưa chênh lệch lớn, sản phẩm công nghệ cao chịu thiệt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có cán bộ và người sản xuất đủ trình độ để tiếp cận và sử dụng công nghệ, tuy nhiên lực lượng này hiện nay còn mỏng. Công tác thông tin tuyên truyền về các Nghị quyết của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tích cực nhưng chưa sâu rộng, khả năng tiếp cận thông tin của người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp từ thời tiết khí hậu, trong khi những năm gần đây thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều hơn, gây khó khăn cho việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tập trung thực hiện quy hoạch chi tiết vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao theo sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương. Đồng thời đánh giá, tổng kết các mô hình, chương trình dự án ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả làm cơ sở nhân ra diện rộng.
Cùng với đó, các cấp, các ngành chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ, có cơ chế thông thoáng để người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Có chính sách để đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tạo điều kiện hỗ trợ trong vấn đề tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và tạo đà cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững.
Bài, ảnh: Hồng Giang - Đức Lam