Kỳ I: Nhiều mô hình ứng dụng KHCN bước đầu thành công Là địa bàn vùng chiêm trũng của tỉnh, những năm trước đây, huyện Gia Viễn gặp nhiều khó khăn để nâng cao giá trị nông nghiệp trên 1ha canh tác. Bên cạnh đó, việc nhiều nông dân chuyển sang đi làm ở các khu, cụm công nghiệp khiến nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp ngày càng khan hiếm. Trước những khó khăn đó, huyện Gia Viễn đã có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Một trong những địa phương đi đầu về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi thủy sản ở Gia Viễn là xã Gia Phương. Đây là địa phương nằm trong vùng trũng, việc trồng lúa không mang lại hiệu quả cao nên ngay từ năm 2014, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng mô hình lúa- cá theo hình thức nuôi thâm canh truyền thống. Nhận thấy đây là hướng đi tích cực có thể nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã Gia Phương đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản và được UBND huyện Gia Viễn phê duyệt.
Từ khi quy hoạch sản xuất, người dân yên tâm đầu tư hạ tầng. Ông Đinh Văn Tá, thôn Vân Hà là một trong những người đầu tiên của xã Gia Phương chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi thủy sản nước ngọt. Sau vài năm làm theo mô hình thâm canh truyền thống 1 lúa- 1 cá hiệu quả kinh tế không cao, ông Đinh Văn Tá đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng ao nổi với đầy đủ hệ thống ao lắng lọc, ao ương giống, cống cấp thoát nước, quạt ôxy, máy cho ăn hiện đại.. nên cá sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm gia đình thu 2 lứa, trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng.
Ông Tá cho biết: Mô hình ao nổi được nhiều hộ nông dân lựa chọn, vì ao nổi có khá nhiều lợi thế so với ao chìm. Ao chìm thường phải đào rất sâu, còn ao nổi chỉ cần đào sâu từ 30 - 50cm rồi chủ yếu lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5 - 2m.Do vậy, nếu một sào ruộng đào ao chìm phải mất 30-35 triệu tiền công thì ao nổi chỉ mất 10 triệu đồng. Vì là ao nổi nên không bị cây cối, công trình xây dựng che khuất bóng, đón được nhiều ánh sáng, nhiều gió, hạn chế dịch bệnh gây hại, kích thích các sinh vật có lợi phát triển, bởi thế mật độ nuôi cá trong ao nổi cao hơn, tốc độ cá lớn nhanh hơn ao chìm...thao tác khi thu hoạch cá chỉ cần tháo cống, hầu như không cần phải sử dụng máy bơm và nạo vét nhanh hơn so với kiểu ao truyền thống.
Để tăng năng suất cũng như giá trị nông sản, ông Tá đang dự kiến sẽ xây dựng mô hình "sông trong ao" để tạo dòng chảy giúp tăng sản lượng cá trong cùng diện tích. Đây là ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong sản xuất thủy sản hiện nay đang được khuyến khích đầu tư.
Đến nay xã Gia Phương có trên 70 ha chuyên canh thủy sản, thu nhập bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Cùng với việc kịp thời quy hoạch vùng thủy sản, xã đã hỗ trợ mỗi ha ao nổi 10 triệu đồng để cải tạo ao nuôi và hướng dẫn bà con xây dựng mô hình nuôi cá trên ao nổi. Hiện toàn xã có 25 ha, giá trị thu nhập đạt từ 300-350 triệu đồng/ha/năm. Ông Tạ Hữu Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết: Kết quả ban đầu cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản là một hướng đi đúng của xã Gia Phương. Thời gian tới, UBND xã sẽ làm cầu nối liên kết với các nhà khoa học, các doanh nghiệp để thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa năng suất cũng như chất lượng của nguồn thủy sản nước ngọt ở Gia Phương.
Biến khó khăn thành lợi thế, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Gia Viễn đã tích cực chuyển đổi những vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Theo ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn: Sản xuất thủy sản trên địa bàn phát triển, xuất hiện nhiều điển hình thâm canh thủy sản, cải tạo vùng trũng cấy lúa vụ mùa bấp bênh kém hiệu quả sang sản xuất 1 lúa - 1cá có hiệu quả. Năm 2009, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 1.113 ha, hiện nay đạt 1.700 ha, trong đó diện tích ao nổi chiếm khoảng 10%. Huyện đã tập trung quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, lấy trọng tâm là vùng ruộng trũng ở các xã Gia Tân, Gia Hòa, Gia Phương, Gia Minh... theo phương thức thâm canh và bán thâm canh.
Có thể nói, mô hình nuôi cá trên ao nổi ở Gia Viễn những năm trở lại đây đã khẳng định nhiều ưu thế như không phá vỡ hiện trạng đồng ruộng, thuận lợi khi chuyển sang hình thức sản xuất khác, quản lý được môi trường… mở ra hướng đi mới cho vùng đất khó, góp phần đưa thủy sản địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Cũng là huyện thuần nông nhưng huyện Nho Quan có địa hình phức tạp chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi cao, vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng chiêm trũng. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa, cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, giá trị thu nhập thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tại các địa phương trong huyện đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, điển hình là xã Đồng Phong.
Đứng trước cánh đồng rau xanh mướt, ông Trịnh Văn Thành, Phó Giám đốc HTX Đồng Phong cho biết: Toàn bộ cánh đồng rộng khoảng 2 ha trong nhiều năm gần như bị bỏ hoang do không có nguồn nước tưới, cộng với chất đất sỏi pha cát không thuận lợi cho cây trồng.Được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại (Sở Nông nghiệp và PTNT) trong khâu tư vấn cách chọn giống, hướng dẫn cách chăm sóc, xây dựng hệ thống cọc bê tông, lưới che phủ và hệ thống tưới phun sương của Nhật Bản...,
Đến nay HTX Đồng Phong đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Khu vực sản xuất này cũng đang được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chứng nhận đủ điều kiện an toàn cho vùng sản xuất rau, củ, quả. Hướng đầu ra cho sản phẩm là các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, chính vì thế HTX Đồng Phong đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, tem nhãn mác để cạnh tranh với các sản phẩm rau an toàn trên thị trường.
Ông Bùi Trần Dự, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phong cho biết: Là một xã trọng điểm về nông nghiệp của huyện Nho Quan, chính vì thế cấp ủy, chính quyền địa phương xác định lấy nông nghiệp là trục chính trong phát triển kinh tế sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu này, xã đã thống kê lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, sau đó phân loạiđất, địa hình, từ đó quy hoạch các vùng chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt, tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Đến nay xã đã quy hoạch 10% diện tích đất khu vực trũng thường xuyên bị ngập úng không thể cấy lúa, trồng màu để nuôi trồng thủy sản.Hiện, mô hình chăn nuôi chuyên canh cá, quy mô 11ha, tập trung tại khu vực thôn Đồng Cối đã có 10 gia đình tham gia. Đối với diện tích đất vùng cao, khô cằn không thuận lợi việc tưới tiêu, xã chủ trương cho người dân thuê để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay toàn xã đã có 15 trang trại chăn nuôi gia cầm theo hình thức bán công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 2 trang trại nuôi gà thả vườn với số lượng lớn từ 5.000-6.000 con, doanh thu bình quântrên 100 triệu đồng/năm; mô hình nuôi lợn từ 100-200 con, doanh thu ước đạt 150 triệu đồng/năm.
Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình", huyện Nho Quan đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất trong nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay đã có 6 doanh nghiệp thuê đất với tổng diện tích 128 ha để canh tác, chủ yếu là các loại rau, củ, quả, cây dược liệu… Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung từng bước được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Doanh nghiệp khi đi vào sản xuất sử dụng chủ yếu là lao động địa phương, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Bài, ảnh: Xuân Trường
Kỳ II: Những vấn đề cần quan tâm giải quyết