Năng suất tăng, hiệu quả kinh tế cao Thăm mô hình trồng cây thanh long trên vườn tạp tại hộ ông Phạm Văn Kiệm, xóm 5, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn vào đúng dịp thu lứa cuối cùng nhưng cây vẫn sai quả, quả to và đỏ mọng. Là một trong 3 hộ trên địa bàn tỉnh được chọn thực hiện đề tài, ông Kiệm phấn khởi cho biết: Trước đây gia đình ông đã có kinh nghiệm trồng cây thanh long ruột trắng nên khi trồng cây thanh long ruột đỏ không gặp mấy khó khăn. Điểm mới ở đây là trong quá trình trồng, chăm sóc có bón thêm chế phẩm vi sinh vật của Viện Đại học mở Hà Nội.
Qua 3 năm triển khai và thực hiện theo đúng kỹ thuật của cán bộ phụ trách đề tài, tôi thấy chế phẩm rất phù hợp với cây thanh long ruột đỏ trên đồng đất Kim Sơn. Về mắt thường quan sát thì chế phẩm giúp tăng cường độ ẩm cho cây, giảm số lần tưới so với những cây không bón. Quá trình sinh trưởng và phát triển thuận lợi hơn, cây tươi tốt, ít sâu bệnh. Cuối vụ thu hoạch cho thấy cây nhiều quả hơn và trọng lượng quả cũng lớn hơn rất nhiều.
Theo ước tính, mỗi trụ thanh long cho thu hoạch 15kg quả chín, cao hơn diện tích không bón chế phẩm 8,5 kg (tức là năng suất cao gấp hơn 2 lần). Như vậy, lợi ích nhìn thấy rõ nhất mà chế phẩm vi sinh vật mang lại là năng suất tăng, chi phí giảm, hiệu quả kinh tế cao.
Theo báo cáo của Viện Đại học mở Hà Nội, kết quả theo dõi cho thấy cây thanh long ruột đỏ trồng ở 3 mô hình được chọn đều sinh trưởng, phát triển tốt, số lượng cành cũng như chiều dài cành cao hơn hẳn so với diện tích trồng đối chứng; cây ít bị sâu bệnh hơn.
Diện tích được bón chế phẩm ra hoa sớm, quả nhiều và to hơn, năng suất bình quân ở 3 mô hình đều cao gấp 2 hoặc cao hơn 2 lần so với diện tích không bón. Như vậy, mục tiêu chế phẩm vi sinh vật tác động là làm cho năng suất tăng cao, chất lượng quả không thay đổi và đảm bảo sạch, an toàn.
Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng
Hiện nay ở Ninh Bình, cây thanh long là một trong những cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế đang được các địa phương khuyến khích nhân rộng. Tuy nhiên việc phát triển loại cây trồng này còn nhiều hạn chế do người dân chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng chưa cao. Đặc biệt tình trạng bón phân vô cơ làm cho đất bị bạc màu, rửa trôi, chất lượng đất ngày càng kém đi.
Với những hạn chế trên, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình, Viện Đại học mở Hà Nội đã triển khai đề tài: Nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong phát triển cây thanh long ruột đỏ ở Ninh Bình. Đến nay, đề tài đã triển khai thành công ở cả 3 mô hình trồng cây thanh long theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở 3 địa phương với các điều kiện sinh thái khác nhau (Kim Sơn, Yên Khánh, Tam Điệp).
Theo bà Đinh Thị Thu Lê, Khoa Công nghệ sinh học, Viện Đại học mở Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Cây thanh long được tưới chế phẩm vi sinh vật của Viện Đại học mở sẽ cho hiệu quả khác biệt. Chế phẩm thường được bón vào những thời điểm cây đang gặp khó khăn hoặc cần nhiều dưỡng chất trong quá trình sinh trưởng, phát triển, như: Bón thời điểm đầu sau khi trồng, bón lúc ra hoa, bón khi thời tiết nắng nóng, khô hạn hoặc rét hại.
Chế phẩm vi sinh vật do Viện cung cấp bao gồm các vi sinh vật đã được nghiên cứu ở nhiều địa phương khác có lợi cho đất. Khi bón chế phẩm vi sinh vật vào đất sẽ làm thay đổi độ PH trong đất, hàm lượng nitơ, cácbon trong đất. Đất được cải thiện nhanh chóng, trở nên mầu mỡ hơn, độ ẩm cao hơn, giúp cây phát triển tốt và năng suất cao.
Theo ông Nguyễn văn An, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, với giá thành 500 nghìn/lít chế phẩm, người nông dân có thể chấp nhận được và nên mạnh dạn áp dụng. Bởi sử dụng chế phẩm cho năng suất tăng gấp 2 lần, sau khi trừ chi phí thì hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn hẳn so với trồng thanh long theo cách truyền thống. Hơn nữa bón chế phẩm vi sinh vật còn giảm công chăm sóc, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng.
Giáng Hương