Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, những năm qua tỉnh ta đã quan tâm triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực. Trong đó chú trọng đến công tác thu hút đầu tư, xã hội hóa các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 96 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó 87 công trình đang hoạt động, 9 công trình đang xây dựng dở dang. Toàn tỉnh có 4 mô hình quản lý các công trình nước sạch là: mô hình doanh nghiệp; mô hình UBND xã; mô hình đơn vị sự nghiệp công lập và mô hình tư nhân.
Công tác quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đạt được những kết quả đáng khích lệ, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 93%, trong đó hơn 57% số dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung.
Tuy nhiên trong quá trình khai thác vận hành, một số công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn chưa hiệu quả về kinh tế, gây khó khăn cho công tác duy tu, bảo dưỡng và trả nợ nguồn vốn vay đầu tư xây dựng. Chất lượng nước chưa ổn định, nhiều công trình có tỷ lệ số dân sử dụng chưa cao gây lãng phí công suất thiết kế.
Trong quá trình thực hiện xã hội hóa chưa khắc phục triệt để các công trình hư hỏng xuống cấp, tiến độ đầu tư nâng cấp sửa chữa, duy tu các công trình còn chậm, một số công trình xây dựng dở dang hiện không được đầu tư hoàn thiện gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng công tác đầu tư, khai thác, quản lý vận hành các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đồng thời phân tích rõ nguyên nhân hạn chế và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác xã hội hóa và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Để thực hiện tốt chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức đánh giá, rà soát, kiểm tra thực tế các mô hình quản lý, các công trình đã được giao cho Doanh nghiệp quản lý để sắp xếp, điều chuyển công trình theo phương án: Các công trình đã giao đang hoạt động có hiệu quả, tiếp tục giao cho đối tượng quản lý, sử dụng khai thác; các công trình chưa được giao cho đối tượng quản lý hoặc giao quản lý, vận hành chưa hiệu quả tiến hành điều chuyển, giao cho đối tượng quản lý có đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý, vận hành.
Thực hiện giao theo nhóm công trình trong cùng một vùng, khu vực theo quy hoạch, không giao riêng lẻ công trình. Việc giao công trình cấp nước tập trung được ưu tiên theo thứ tự: giao cho Doanh nghiệp; giao cho đơn vị sự nghiệp công lập và giao cho UBND cấp xã.
Sở Nông nghiệp & PTNT rà soát lại hồ sơ, quy hoạch các công trình để kêu gọi đầu tư; Sở Tài chính chủ trì xác định giá trị còn lại của các công trình, thành lập tổ kiểm đếm, hoàn thành thủ tục bàn giao.
Cùng với đó, các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại các khu vực chưa có nước từ các trạm cấp nước sạch tập trung.
Hồng Giang - Đức Lam