UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ tháng 10
Thứ Ba, 04/10/2022, 02:11
Zalo
Ngày 4/10, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị phiên thường kỳ tháng 10 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022.
UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ tháng 10
Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của tỉnh ta cũng như cả nước diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na kéo dài, tình trạng lạm phát ở một số nước châu Âu, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường, giá cả thị trường biến động mạnh, nhất là nguyên nhiên liệu đã tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng nâng cao năng lực nội tại và khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế; tổ chức hội nghị hàng quý để bàn và thống nhất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các tồn tại, khó khăn, thách thức, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tiếp theo.
Do vậy, bước sang quý II/2022 tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, đến quý III/2022 sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng khá, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý III đạt 12,64%, 9 tháng đầu năm đạt 8,32%. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 2,45%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4,79%, riêng công nghiệp đạt 5,49%; khu vực dịch vụ đạt 15,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp đạt 5,27%. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo. Ninh Bình là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao, đảm bảo đúng quy định. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện tháng 9/2022 đạt trên 2.600 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung làm rõ hơn những kết quả đạt được trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm; đồng thời đề xuất nhiều nhiệm vụ quan trọng cần sự phối hợp của các sở, ngành, các địa phương để tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá cao sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nhìn nhận lại kết quả 9 tháng và nhất là quý III, lãnh đạo UBND tỉnh nhận thấy rất rõ việc chấp hành nghiêm túc của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; UBND tỉnh cũng đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2022. Đây là cơ sở quan trọng để Ninh Bình tạo đà phát triển các năm tiếp theo.
Với quan điểm chỉ đạo nhất quán, kiên định các mục tiêu đã đề ra và sự bản lĩnh, vững vàng trong công tác điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, những tồn tại, vướng mắc phát sinh ở cơ sở được khắc phục kịp thời, góp phần khơi thông các nguồn lực.
Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021-2025), là năm hành động và quyết tâm tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2020-2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc yêu cầu: Nhiệm vụ trong thời gian tới tiếp tục kiên trì, kiên định các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Chương trình công tác năm và theo từng nhiệm vụ đặt ra.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đổi mới công tác thu hút đầu tư công, hỗ trợ các dự án mới đi vào hoạt động để có sản phẩm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh góp phần tăng thu ngân sách, đảm bảo tự cân đối ngân sách năm 2022.
Đối với các sở, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết thấu đáo từng công việc cụ thể không để công việc kéo dài; nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao vai trò công tác quản lý Nhà nước trong việc xử lý các vụ việc vi phạm, hạn chế tối đa các vụ việc phát sinh, từng bước khắc phục những tồn tại cũ. Đổi mới, cơ cấu tổ chức, sắp xếp cán bộ tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tập trung hơn nữa trong việc rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Ninh Bình năm 2022.