Trong mấy ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn làm mực nước sông Hoàng Long lên cao. Tính từ 7 h ngày 29/10 đến 13 h ngày 31/10, lượng mưa đo được tại Hưng Thi là 501mm (tỉnh Hòa Bình), Bến Đế 347,6 mm, Nho Quan 242,6 mm, Ninh Bình 219,5 mm. Mực nước tại Hưng Thi lúc 20 h ngày 31/10 là 15,77 m, tại Bến Đế lúc 6 h ngày 1/11 là 4,69m.
Để chủ động đối phó với mưa lũ, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Ninh Bình đã chủ động nắm chắc diễn biến lượng mưa, mực nước, tham mưu với UBND tỉnh ban hành công điện chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ. Tăng cường công tác kiểm tra công trình, đảm bảo an toàn cho các đê điều, hồ chứa, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố xảy ra.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ NN&PTNT và tỉnh, huyện có mặt tại tràn Lạc Khoái,
kiểm tra , động viên lực lượng xung kích chống tràn.
Các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các trà lúa mùa đã chín. Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống lũ bão, nhất là đối phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường cán bộ kỹ thuật cho huyện Nho Quan, Gia Viễn để đối phó với lũ sông Hoàng Long. Mưa lớn đã làm ngập úng 11.154 ha cây vụ đông, 500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản.
Công ty KTCTTL huy động mọi lực lượng, phương tiện với tổng số 242 máy bơm các loại, mở 19 cống dưới đê và các máy dầu trong nhân dân để bơm nước tiêu úng bảo vệ cây vụ đông. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, 16 h ngày 31/10, huyện Nho Quan đã phát lệnh sơ tán dân vùng phân lũ Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân. Căn cứ vào dự báo của Khí tượng thủy văn Trung ương, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, huyện Nho Quan, Gia Viễn đã huy động lực lượng triển khai trải bạt chắn sóng và cơi cao trạch đất với quyết tâm giữ tràn nhằm giảm thiệt hại cho nhân dân.
Các lực lượng xung kích chống tràn bên con nước mỗi lúc một dâng cao.
Tại Nho Quan đã huy động 350 cán bộ chiến sỹ, 40 công an, 150 người lực lượng xung kích, 2.000 m2 bạt chống sóng, 7.000 bao nilon đổ cát cơi cao phần trạch đất thêm 2- 3 hàng để chống tràn. Nhưng do lượng mưa đầu nguồn quá lớn, nước đổ mỗi lúc càng mạnh thêm, đến 4 h ngày 1/11 nước nước tràn qua trạch đất vượt cao trình + 4,9 m, đã làm ngập úng 3 xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân. Tại huyện Gia Viễn đã huy động 300 cán bộ chiến sỹ, 50 công an, 250 lực lượng xung kích các xã và 10.000 bao ni lon để đổ cát cơi cao trạch đất tràn Lạc Khoái…
Đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, nhấn mạnh: Để chủ động đối phó với mưa lũ và đảm bảo đời sống cho nhân dân các xã ngập lũ Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, các ngành, địa phương cần triển khai ngay phương án đảm bảo an toàn giao thông trong vùng lũ, quản lý chặt chẽ hoạt động của đò ngang, đò dọc. Triển khai phương án đảm bảo an toàn điện trong vùng ngập lũ, khi nước rút tiến hành khắc phục, sửa chữa ngay những hư hỏng để đảm bảo nguồn điện phục vụ nhân dân và chống úng trên toàn tỉnh.đặc biệt quan tâm đến đời sống nhân dân vùng lũ, nhất là các gia đình chính sách.
Ngành công thương chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm lương khô, mỳ tôm, bánh mỳ, dầu hóa để phục vụ nhân dân vùng lũ.
Ngành y tế chuẩn bị đủ cơ số thuốc, mỗi xã cử 1 bác sỹ, 1 thuyền để cấp thuốc, khám chữa bệnh kịp thời cho nhân dân.
Sở nông nghiệp & PTNT triển khai ngay phương án tiêu úng, xử lý sự cố đê điều và khác phục hậu quả sau lũ; phối hợp với Sở tài nguyên & môi trường để xử lý môi trường vùng lũ.
Ngành Tài chính chuẩn bị đủ kinh phí dự phòng, dừng các khoản chi tiêu khác để dành kinh phí phục vụ công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cứ 30 phút cung cấp thông tin cho tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời hiệu quả.
Ngành Công an, Quân đội huy động lực lượng tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự khu vực phân lũ và giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt.
Bài và ảnh: Thanh Chiên