Chiều 6/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2021; Kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh 6 tháng đầu năm. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
UBND tỉnh giao ban phiên thường kỳ tháng 7
Cùng dự có các đồng chí Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.
Với tinh thần vừa chủ động phòng chống dịch COVID-19, vừa thực hiện phát triển kinh tế- xã hội, UBND tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phát huy dân chủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 đạt được kết quả toàn diện:
Trong đó, lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh. Kết thúc ngày bầu cử, toàn tỉnh có 99,58% cử tri đi bầu cử (có 60/143 xã, phường, thị trấn với 782/1.020 khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri đi bầu), đạt tỷ lệ cao nhất trong các cuộc bầu cử của tỉnh từ trước đến nay; tỉnh đã chủ động kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt, phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân. Cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; tổ chức cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
Kinh tế tiếp tục phát triển khá, GRDP tăng 7,18%; công nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đạt mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt gần 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 47,3% kế hoạch năm; nông nghiệp được mùa, năng suất lúa bình quân đạt 66,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2020. Tổng sản lượng thủy sản đạt gần 30 nghìn tấn, tăng 7,1%, đạt 46,6% kế hoạch năm;
Thương mại, dịch vụ có dấu hiệu phục hồi và đạt mức tăng khá so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh đạt trên 16,9 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,82%; Hoạt động du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón trên 867,5 nghìn lượt khách, giảm 42,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 12,4% kế hoạch năm. Doanh thu đạt trên 552,4 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ và đạt 15,8% kế hoạch năm.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; giáo dục- đào tạo được quan tâm, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo.
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh: Thực hiện chủ đề công tác năm "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính", UBND tỉnh, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, quyết liệt trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, với tinh thần đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, quyết tâm cao và yêu cầu, quan điểm là "truy đến cùng, giải quyết triệt để", làm việc phải có kế hoạch cụ thể, giao đúng người, đúng việc và có người chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; đồng thời, đổi mới cách thức thu hút đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính trong đất đai, đầu tư, đầu tư công.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế- xã hội nhất là các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch; các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, nhất là ở một số khu, cụm công nghiệp; tình trạng xe quá tải chạy trên các tuyến đê và công tác bảo vệ an toàn các tuyến đê trước mùa mưa bão; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo sự thống nhất, chia sẻ công việc giữa các cấp, các ngành. Bước đầu thấy được sự chủ động của các cấp, ngành trong công tác tham mưu, ít trông chờ vào việc giao nhiệm vụ của UBND tỉnh mới làm.
"Đây là sự đổi mới đáng trân trọng để chúng ta tin tưởng vào sự lãnh đạo của UBND tỉnh đối với các chủ trương lớn của tỉnh như: đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách, cải cách hành chính, giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay...", Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
Đối với kết quả phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, mặc dù đạt được mức tăng trưởng đáng ghi nhận, song đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: các cấp, các ngành cùng nhìn lại tổng thể bức tranh kinh tế- xã hội của tỉnh để thấy rõ những điểm mạnh cũng như khó khăn, tồn tại từ đó đề ra các giải pháp phù hợp, kiên định hoàn thành mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 8% theo đúng kịch bản đã đề ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm có ý nghĩa quan trọng, do đó, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, quân và dân trong tỉnh phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như: Kiên định tinh thần "Chống dịch như chống giặc", lấy người dân là trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch; huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tập trung thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn.
Tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19.
Giải quyết dứt điểm những tồn tại về công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp. Thời gian tới, Sở Nội vụ cùng với Ban Quản lý các KCN nghiên cứu lại mô hình quản lý của Công ty phát triển hạ tầng KCN để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ đề công tác năm 2021 "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính". Triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của UBND tỉnh về nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đảm bảo thực chất, không hình thức. Tăng cường phối hợp, trao đổi trực tiếp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính. Rà soát, giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ, khó khăn, vướng mắc, nhất là những việc tồn đọng kéo dài.
Tập trung công tác lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; lập kế hoạch sử dụng đất đảm bảo trên cơ sở quy hoạch, định hướng phát triển vùng, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường quản lý dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh theo tính chất công trình và nguồn vốn. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương đảm bảo tiến độ yêu cầu. Tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và giải phóng mặt bằng các dự án, khẩn trương triển khai các dự án đầu tư lớn, quan trọng về giao thông, thiết chế văn hóa đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Rà soát, xác định điểm dừng kỹ thuật, cắt giảm, điều chỉnh hoặc kết thúc các dự án đầu tư công kéo dài. Kiểm tra, xử lý các dự án ngoài ngân sách triển khai chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng hợp lý; đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, qua đó tạo đầu ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm tỷ trọng hàng hóa tồn kho. Tăng cường thu hút đầu tư thông qua đổi mới cách thức thu hút đầu tư và trình tự, thủ tục giải quyết các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư.
Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, gắn liền khai thác với nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu NSNN và thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021.