Tới dự có các đồng chí: Bùi Văn Nam, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Các Phó chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp trẻ, CLB nữ doanh nhân cùng hơn 130 doanh nghiệp, doanh nhân.
Đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển KT- XH 6 tháng đầu năm 2012, nhiệm vụ và các giải pháp 6 tháng cuối năm; Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn và biện pháp tháo gỡ. 6 tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung về vốn, giá cả, thị trường…KT- XH của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khá toàn diện: Giá trị sản xuất công nghiệp dạt 6.810 tỷ đồng, tăng 15,5%; Nông nghiệp ổn định; Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung; Du lịch phát triển mạnh, nhất là dịch vụ du lịch; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.116 tỷ đồng, đạt 39,2% dự toán, bằng 81,8% so với cùng kỳ…Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 10,17%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Về thực trạng của các doanh nghiệp trên địa bàn: Đến 30/6/2012, toàn tỉnh có 3.345 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 174.018 tỷ đồng; trong đó có 6 doanh nghiệp Nhà nước, 23 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 3.316 doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đã đóng góp tích cực vào sự phát triển KT- XH của tỉnh: Năm 2011, nộp vào ngân sách nhà nước được 1.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 94.464 lao động với thu nhập từ 2,2-4,5 triệu đồng/người/tháng; 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù có những khó khăn về chính sách tài chính, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã nộp ngân sách Nhà nước 427 tỷ đồng…
Tuy nhiên 90% các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu hoạt động tập trung ở một số lĩnh vực như dịch vụ, thương mại và xây dựng. Số doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, đặc biệt là doang nghiệp ở lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản; Doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao còn ít. Trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới, năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn tỉnh đã có: 290 doanh nghiệp giải thể, 1 doanh nghiệp phá sản, 300 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 855 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp sản xuất…nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn về: Vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguồn nhân lực cũng như năng lực quản lý. Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến của nhiều doanh nghiệp, trong đó tập trung về các lĩnh vực: Vốn cho sản xuất và việc tiếp cận các nguồn vốn của các Ngân hàng thương mại; lãi suất và việc hạ lãi suất; thủ tục hành chính và cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất; Thuế, phí, lệ phí…
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Ý kiến của các doanh nghiệp là tâm huyết, chân thành, thẳng thắn, Tỉnh ghi nhận. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 3.300 doanh nghiệp và chính lực lượng này đã làm thay đổi "Bộ mặt" quê hương Ninh Bình, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT- XH của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế, để đưa Ninh Bình thành tỉnh khá của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết với nghề, khó khăn vẫn kiên trì bám nghề. Các doanh nghiệp tren dịa bàn tỉnh đã đóng góp tới 50% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh và đã giải quyết cho trên 94.000 lao động có việc làm.
Tuy nhiên, như báo cáo đã cho biết có tới 90% doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ; Số doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông , lâm, thủy sản ít. Vốn khó khăn, tiếp cận vốn còn hạn chế, sức mua giảm; Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp chất lượng thấp: Năng lực quản lý của một số doanh nghiệp còn hạn chế…nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị trì trệ…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các doanh nghiệp nhận thức đúng tình hình, tổ chức sắp xếp lại sản xuất; duy trì hoạt động và phát triển. Tái cơ cấu lại đầu tư, tập chung vào những lĩnh vực chính và không quá phụ thuộc vào nguồn vốn của các ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường và xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và địa phương. Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo để vượt qua những khó khăn thách thức, đồng thời có trách nhiệm với Nhà nước và tỉnh. Trung ương và tỉnh đã có những cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (NQ 13CP của Chính phủ); Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất cho vay; ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu. Các Sở, ngành chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ được giao tạo điều kiện tốt nhất, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động: Đẩy mạnh công tác thông tin thương mại, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường; cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục bất hợp lý, rờm rà; công khai minh bạch quy hoạch, dự án; rà soát lại đơn giá đất; giúp các doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao cho Văn phòng UBND tỉnh bố trí đường dây nóng, tham mưu thành lập tổ công tác giúp tỉnh giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2012.
Đinh Chúc