Hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết UAE đã ngừng các cuộc không kích nhằm vào IS sau khi máy bay của phi công Jordan rơi cuối tháng 12/2014. Tuy nhiên, UAE vẫn là một đối tác quan trọng trong liên minh chống tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Một quan chức quốc phòng cao cấp khác của Mỹ tiết lộ UAE muốn Lầu Năm Góc nâng cao khả năng tìm kiếm cứu nạn ở khu vực chiến sự thuộc miền Bắc Iraq, trong đó có việc triển khai máy bay V-22 Osprey. UAE muốn đảm bảo an toàn cho các phi công trong trường hợp máy bay của họ bị bắn trúng nên chỉ tham gia trở lại các cuộc không kích nếu Mỹ đáp ứng nguyện vọng trên. Trước đó, tờ New York Times (Thời báo Niu Y-oóc) số ra cùng ngày cũng đưa tin tương tự. Theo đó, các phi công UAE sẽ không tham gia chiến đấu cho tới khi Mỹ triển khai các máy bay Osprey ở miền Bắc Iraq nhằm nâng cao công tác tìm kiếm và cứu hộ. Hiện chính phủ Mỹ chưa lên tiếng chính thức về vấn đề này. Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki (Gien Pxa-ki) khẳng định sẽ không xác minh những thông tin liên quan đến các nước khác cũng như hoạt động quân sự của những nước này. Hôm 3/2, IS đã cho công bố đoạn video chiếu cảnh thiêu sống phi công người Jordan al-Kassasbeh, 26 tuổi, bị lực lượng này bắt giữ từ tháng 12/2014 sau khi máy bay bị rơi. Jordan là một trong các nước Arab tham gia liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria. Trong cuộc họp với giới tướng lĩnh quân đội ngày 4/2, Quốc vương Jordan Apdullah (Áp-đu-la) khẳng định quyết tâm tiêu diệt các phần tử cực đoan IS để đáp trả mạnh mẽ việc phi công al-Kassasbeh bị hành quyết. Quân đội Jordan cũng đã tiến hành ngay các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq, tiêu diệt ít nhất 55 tay súng bao gồm một chỉ huy của lực lượng này.Ngoài ra, Jordan cũng đã thi hành án tử hình đối với nữ tù nhân người Iraq Sajida al-Rishawi (Xa-gi-đa An Ri-sa-uy) được IS đòi thả trước đó và một thành viên cấp cao của al-Qaeda là Ziad al-Karboli (Di-át An Các-bô-li). Tuy nhiên, Nhà Trắng tỏ ra thận trọng khi bình luận về hành động đáp trả của Jordan, nhấn mạnh chỉ có giới chức Jordan mới có thể cung cấp cái nhìn thấu đáo về hệ thống tư pháp của nước này liên quan đến việc bắt giữ và hành hình các phạm nhân. * Trong một diễn biến liên quan đến nỗ lực chống IS, cùng ngày 4/2, các nhà ngoại giao cho biết Nga đang thúc đẩy một nghị quyết mới tại LHQ nhằm chặn đứng nguồn cung cấp tài chính cho IS thu được từ buôn bán dầu mỏ, đồ cổ và bắt cóc đòi tiền chuộc. Trao đổi với báo giới, người phát ngôn của phái bộ Nga tại LHQ Alexey Zaytsev (A-lếch-xây Giây-sép) xác nhận Moskva đang chuẩn bị dự thảo nghi quyết này và hy vọng văn kiện sẽ được Hội đồng Bảo an (HĐBA) thông qua trong vài ngày tới. Dự thảo kêu gọi các nước chấm dứt mua dầu mỏ từ IS, không trả tiền chuộc hay mua các loại đồ cổ do lực lượng này cướp được. Theo báo cáo của Nga, ước tính IS đã thu được 850.000 - 1,65 triệu USD/ngày nhờ việc bán dầu mỏ thông qua các nhà trung gian tư nhân. Thống kê của LHQ hồi tháng 11 cũng cho biết trung bình mỗi ngày IS thu được 96.000 - 123.000 USD từ các khoản tiền chuộc.
Theo TTXVN