Nhờ mấy triệu đồng Ngân hàng cho vay lúc đầu, nay bác Quảng có trong tay nhiều tỷ đồng. Gia đình bác Quảng có nghề chài lưới lâu đời. Làm nghề vất vả, bác chuyển sang kinh doanh, làm dịch vụ. Bắt đầu từ việc thấy bà con trong làng bị ngập lụt do đê vỡ không có muối ăn, nhiều người bảo bác đi lấy muối về bán cho bà con. Thế là bác Quảng đem thuyền ra mãi Hải Hậu (Nam Định) mua muối về bán cho bà con. Thấy nhiều người cần mua, bác Quảng đi lấy tiếp về bán cho nhiều nơi, cả ở huyện Nho Quan. Hết vụ lụt năm ấy, bác Quảng đã chuyển về trên 30 tấn muối bán cho dân. Từ kinh doanh muối, thấy có lãi, bác Quảng mở rộng sang kinh doanh vật liệt xây dựng và sau đó là lấy cát biển về đổ nền nhà, nền xưởng, nền kho, bãi… bán cho nhân dân và các doanh nghiệp.
Bác còn đầu tư khá nhiều vốn san lấp gần 2.000 m2 thùng đấu ở bãi sông phía ngoài để làm bãi chứa cát, đá; phía dưới bác thuê máy nạo vét thật sâu để thuyền có trọng tải lớn ra vào thuận tiện. Phía trên, bác làm đường rộng cho xe lên xuống dễ dàng và an toàn.
Để chuyển cát, đá… từ thuyền lên bãi nhanh, thay vì người bốc vừa chậm, lại rất vất v ả, bác Quảng đã mua một hệ thống cần cẩu điện. Nhờ vậy một ngày có hàng nghìn tấn vật liệu được chuyển lên bãi và khi xe, thuyền đến lấy hàng lại được cẩu bốc lên xe, xuống thuyền…
Có vốn, bác Quảng còn đóng hai chiếc thuyền bằng xi măng, lưới thép, tải trọng từ 150 tấn trở lên, chuyên để vận chuyển muối và cát từ bãi biển về cung cấp cho nhân dân hai huyện: Gia Viễn, Nho Quan thông qua hàng chục đại lý ở khắp nơi. Để phòng thiên tai thiếu muối, bác Quảng xây dựng một kho chứa hàng chục tấn muối dự trữ.
Trước đây việc vận chuyển cát từ bãi biển về bằng thuyền nhỏ trên 100 tấn và chỉ bơm được vào những nơi ở gần sông, nơi ở xa chút nữa là chịu. Khắc phục mặt yếu này, bác Quảng vay thêm vốn, cộng với vốn tự có đóng một thuyền lớn bằng tôn thép, lắp máy nổ có sông suất lớn để hút được cát ở độ sâu hơn và bơm đi xa trên 1.000 m. Nhờ vậy, cát đem về bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Công việc nhiều, bác Quảng phải thu nhận rất đông lao động vào làm. Nhiều người trước đây không có việc làm nay thành thợ lái tàu, thuyền, vận hành cần cẩu thành thạo. Tất cả các lao động đều được bác Quảng đối xử tử tế và được trả công sòng phẳng và thỏa đáng.
Ăn nên, làm ra nhưng bác Quảng vẫn giữ được bản chất tốt đẹp của một giáo dân biết sống "Tốt đời, đẹp đạo". Gia đình bác là gia đình "Công giáo kiểu mẫu". Từ nhiều năm nay, bác Quảng liên tục được bầu vào Ban chấp hành Hội Nông dân xã. Bác còn tích cực tham gia các cuộc vận động từ thiện như: Giúp đỡ người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, trẻ mồ côi, tàn tật, người già cô đơn… ở làng có 40 hộ thiếu vốn thả cá, bác đã giúp đỡ mỗi hộ 2 triệu đồng. Bác còn bán vật liệu trả chậm cho nhiều gia đình sửa chữa nhà cửa, trong đó phần lớn là nhà nghèo. Hiện số tiền này đã tới 30 triệu đồng. Bác còn xây dựng đường điện sáng cho 50 hộ với số tiền trên 30 triệu đồng.
Vừa qua, bác Quảng được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen "Giáo dân biết làm giàu và thương yêu người nghèo…".
Phùng Gia Mỹ