Ban Biên tập Báo Hànộimới đánh giá cao ý nghĩa nhiều mặt của chủ đề hội thảo "Báo chí với vấn đề tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu nông nghiệp" do Báo Ninh Bình đăng cai tổ chức. Từ thực tiễn đặt ra, Báo Hànộimới có một vài ý kiến trao đổi tại hội thảo với mong muốn được chia sẻ, học hỏi đồng nghiệp đề không ngừng nâng cao chất lượng tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp.
Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội cần có nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, trong khuôn khổ tham luận này, Báo Hànộimới xin đề cập đến một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, cần làm rõ nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì có làm rõ mệnh đề này các cơ quan báo chí mới tuyên truyền "đúng" và "trúng". Đặc thù nền nông nghiệp Hà Nội cũng khác so với các tỉnh, thành phố cả nước, nông nghiệp Hà Nội không chỉ được chuyển động theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả, mà còn được ứng dụng khoa học, công nghệ cao; nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; nền nông nghiệp mang dấu ấn đậm nép của nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thực tiễn trong công tác tuyên truyền cho thấy, bước sang giai đoạn mới, để có thể cạnh trang hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Trọng tâm lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, ứng dụng khoa học công nghệ làm đột phát, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu.
Theo đó, tập trung vào tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và biến khoa học, công nghệ trở thành "chìa khóa vàng" cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp Hà Nội có đặc thù rất riêng, nông nghiệp phát triển trong lòng Thủ đô. Do đó, nền nông nghiệp phải có tầm thế khác, là nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp gắn với các khu đô thị sinh thái, hình thành các vùng chuyên canh tập trung. Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên nhiều sản phẩm; khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản có hàm lược chất xám và giá trị gia tăng cao…
- Thứ hai, bất kể giai đoạn nào, nông nghiệp là ngành kinh tế có tầm quan trọng sống còn, có vị trí trọng yếu trong cơ cấu nền kinh tế, đảm nhiệm an ninh lương thực, cung cấp cho xã hội nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, đồng thời là thị trường tiêu thụ sản phẩm cho công nghiệp và dịch vụ.
Vì vậy, để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là việc làm hết sức khó khăn, phức tạp. Sự khó khăn, phức tạp thể hiện ở chỗ khối lượng công việc lớn, lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, cần phải có thời gian, không thể chủ quan, nóng vội. Bên cạnh đó, đây không phải là dự án đầu tư do Nhà nước cấp vốn để thực hiện mà là chương trình hành động phát triển tổng hợp về mọi mặt, lấy nội lực cộng đồng là chính và nông dân là chủ thể thực hiện.
Thực tiễn cho thấy, tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn không dễ. Để góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí phải hiểu rõ mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển theo hướng hiện đại.
Phải thông tin đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở địa phương. Mục tiêu giúp người dân tiếp nhận thông tin đầy đủ, đa chiều. Thực tế, tại Hà Nội, nhiều địa phương, do làm tốt công tác tuyên truyền nên phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp phát triển mạnh, thu hút được nguồn lực lớn đầu tư của nhân dân.
- Thứ ba, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại nhiều địa phương, người dân đưa ra nhiều ý kiến, kế sách hay. Đồng thời bộc lộ những hạn chế, bất cập trong thực thi chính sách. Đây chính gợi ý cho các phóng viên cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền.
Đơn cử tại Hà Nội, sau khi Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 ban hành Chương trình 02, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 25 về "Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố giai đoạn 2014-2020", UBND thành phố ban hành Quyết định số 16 về "Quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thông thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016".
Thực tiễn nắm bắt tại cơ sở và thông qua kiến nghị của người dân, thông tin đã được phản ảnh đầy đủ trên mặt báo, qua đó, thành phố đã sửa đổi phương thức hỗ trợ đầu tư, cụ thể hỗ trợ theo tiến độ thực hiện dự án, chứ không hỗ trợ một lần sau đầu tư để địa phương và nhân dân có thêm nguồn lực tổ chức thực hiện.
Cũng thông qua công tác tuyên truyền, thành phố đã đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện tổ chức triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để làm tốt công tác tuyên truyền, đòi hỏi, phóng viên phải bán sát địa phương, bán sát ngành theo dõi tuyên truyền. Tạo điều kiện giúp người được "biết", được "bàn", được "làm", được kiểm tra, đây là biểu hiện cao nhất của tinh thần "dân chủ" ở cơ sở.
- Thứ tư, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp là chương trình rất lớn, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực trên các ấn phẩm báo chí. Ngoài ra, cơ quan báo chí tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên sâu về vấn đề này để cán bộ, đảng viên và các tầng lớn nhân dân nắm bắt về mục đích, ý nghĩa của chương trình.
- Cuối cùng, bố trí phóng viên, biên tập viên chuyên trách, chuyên sâu tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền thường xuyên các vấn đề thời sự, gắn với các trang chuyên đề, chuyên sâu; bám sát bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, phát hiện kịp thời những khó khăn, kiến nghị của cơ sở trong quá trình triển khai có những phân tích, đề xuất nêu giải pháp tháo gỡ…
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, ngoài thực hiện các vấn đề thời sự hằng ngày, Báo Hànộimới đã giao cho ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy thực hiện chuyên trang chuyên đề "Xây dựng nông thôn mới Hà Nội", "Nông nghiệp Thủ đô" ra thứ sáu hằng tuần, chuyên trang "Nông nghiệp - Nông thôn" ra thứ hai, thứ tư, thứ bảy hằng tuần và chuyên trang "Đời sống nông thôn" ra chủ nhật hằng tuần.
Ngoài ra, Báo còn phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy tổ chức các cuộc tọa đàm như: "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới"; "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất sau dồn điền đổi thửa, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội"…
Quá trình triển khai tuyền truyền, có sự phối hợp chặt chẽ, thông tin hai chiều giữa Báo Hànộimới với thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình từ thành phố xuống đến huyện, thị xã và các xã. Từ đó, nhiều thông tin báo chí phản ánh, bình luận, phân tích vấn đề, là kênh thông tin giúp Ban Chỉ đạo của thành phố tham khảo, nắm bắt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Báo Hànộimới thường xuyên phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 trong giao ban và kiểm tra đôn đốc thực hiện của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã… Những thôn tin mới về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp được cung cấp cho báo chí, góp phần tạo nên các bài viết hay, kịp thời.
Ban Biên tập đã giao nhiệm vụ cho ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, chịu trách nhiệm tổ chức tốt việc tuyên truyền trên báo về nội dung. Chỉ đạo phóng viên bám sát các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó, thường xuyên đi thực tế, tập trung vào công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; về phát triển sản xuất; nâng cao đời sống nông dân; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn…
Kể từ thời điểm thành lập Ban Nông nghiệp - Nông thôn năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm trên trang chuyên đề nội dung "Xây dựng nông thôn mới Hà Nội", "Nông nghiệp Thủ đô", "Nông nghiệp - Nông thôn", "Đời sống nông thôn" của ấn phẩm Báo Hànộimới, các phóng viên đã thực hiện khoảng 576 bài viết và 864 tin và hàng nghìn bức ảnh về chủ đề tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…, góp phần định hướng dư luận và cung cấp thông tin để thành phố kịp thời ban hành những biện pháp trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn…
Tuy là Thủ đô của cả nước, thành phố Hà Nội vẫn có vùng nông thôn rộng với 18 huyện, thị xã có 386 xã với 329 xã đồng bằng, 43 xã đồi gò và 14 xã miền núi. Khu vực nông thôn có diện tích tự nhiên trên 2.841km2, chiếm 84,9% diện tích tự nhiên toàn thành phố, diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp có trên 188.000ha; lực lượng lao động khoảng 2,5 triệu. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của Thủ đô.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với "tam nông". Cùng với cả nước, Hà Nội cũng đang mạnh mẽ triển khai chương trình và sau hơn 5 năm triển khai, với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố, của doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, đến nay, đã đạt được một số kết quả nổi bật, rõ nét: Kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được ổn định và giữ vững.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên thành 33 triệu đồng năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm xuống còn dưới 1,5%, trong đó, khu vực nông thôn còn khoảng 2%, giảm 9,25% so với năm 2011.
Giá trị tăng thêm Ngành Nông nghiệp bình quân đạt 2,4%/năm; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 33.640 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 15,2% so với năm 2011 và đạt 45.190 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 46,72% so với năm 2011. Cơ cấu sản xuất trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 41,14%; chăn nuôi, thủy sản 55,89%; dịch vụ 2,97%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạt trên 1ha đất nông nghiệp năm 2015 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với năm 2011.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 213/401 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 53,12% số xã. Nếu không tính huyện Từ Liêm trở thành quận, Hà Nội có 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 52,07% số xã và vượt 12,07% so với mục tiêu của Chương trình 02-CTr/Tu của Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Ngoài huyện Đan Phượng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Nội có 5 huyện (Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Gia Lâm) đủ điều kiện về phần trăm số xã theo quy định huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng của của các cơ quan thông tin, tuyên truyền…