Để cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh, ngày 23/5/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ra Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết có mục tiêu bao trùm: "Phát triển toàn diện nông nghiệp gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Chú trọng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm..."
Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, báo Điện Biên Phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng thành kế hoạch tuyên truyền; phản ánh sinh động bức tranh nông thôn trên địa bàn tỉnh với cả những gam màu sáng và khoảng tối. Từ phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; những giải pháp trước mắt và lâu dài của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến các bước triển khai của chính quyền các cấp, những cách làm hay, sáng tạo, gương nông dân điển hình...
Đối với từng ấn phẩm, báo Điện Biên Phủ có nội dung, hình thức tuyên truyền khác nhau. Ví dụ ấn phẩm Điện Biên Phủ thời sự và Cuối tuần các bài viết tập trung các lĩnh vực: lập quy hoạch, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng hạ tầng thiết yếu, quản lý vốn đầu tư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Đây là những bài viết được phóng viên bám nắm cơ sở, khai thác, phân tích, mổ xẻ vấn đề kỹ lưỡng. Đối với ấn phẩm dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao phát hành 3 kỳ/tháng tập trung tuyên truyền quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, những gương điển hình trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT, tham gia góp công sức xây dựng nông thôn mới... nội dung tác phẩm ngắn gọn, dễ hiểu, sử dụng nhiều hình ảnh cho phù hợp với trình độ đồng bào các dân tộc vùng cao. Với cách làm đó, giai đoạn 2011-2015, báo Điện Biên Phủ đăng tải trên 1.000 tác phẩm về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp trên các ấn phẩm; trong đó có khảng 200 tin, phóng sự hình phát trên truyền hình internet của báo điện tử.
Từ thực tiễn tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua, báo Điện Biên Phủ rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Trước hết phải thống nhất về nhận thức rằng: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức, muốn đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân. Do vậy, công tác tuyên truyền phải tạo sự nhất trí về mặt tư tưởng trong xã hội, đặc biệt là đối với nông dân. Tuyên truyền trên báo chí về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phải được tiến hành đồng bộ, hình thức đa dạng, nội dung phù hợp với đặc điểm nông nghiệp và trình độ dân trí trên địa bàn.
Báo phải xác định đối tượng tuyên truyền trước hết là người nông dân, họ là chủ thể trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Vì thế, nông dân vừa là đối tượng thực hiện, đồng thời là đối tượng trực tiếp thụ hưởng thành quả những nội dung mình tham gia thực hiện. Nông dân khu vực vùng cao, miền núi, nhất là dân tộc thiểu số có trình độ nhận thức thấp hơn khu vực đồng bằng. Quy mô phát triển nông nghiệp, nội dung, phương thức sản xuất; các điều kiện xây dựng nông thôn mới ở vùng cao cũng rất khác... Do vậy, công tác tuyên truyền trên báo chí cũng phải căn cứ thực tế địa phương để có giải pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.
Tác phẩm báo chí phải có tính phát hiện, phản biện, đề xuất với các cấp, ngành chức năng về những nội dung cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tế địa bàn để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời, nhất là việc xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, các mô hình kinh tế phù hợp.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với tái cơ cấu nông nghiệp là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến; hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là nội dung mà lãnh đạo cơ quan báo chí cần quan tâm chỉ đạo phóng viên chú trọng khai thác, cập nhật để tuyên truyền thường xuyên, cụ thể.
Thực tế những năm qua không chỉ ở Điện Biên mà các địa phương khác trong cả nước, đã xảy ra tình trạng nông dân luôn bị động theo thị trường; họ sẵn sàng chặt cây, bỏ vật nuôi cũ để nuôi trồng cây, con mới. Vì vậy trong tuyên truyền tái cơ cấu nông nghiệp cần có những bài viết phân tích sâu về vấn đề quy hoạch lại quỹ đất nông nghiệp ở từng địa bàn, hướng tới hình thành vùng phát triển sản xuất hàng hóa bám sát thị trường, không để sản xuất tự phát, gây thiệt thòi cho nông dân. Quá trình tái cơ cấu cần định hình rõ cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển các mô hình sản xuất phù hợp theo vùng miền.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, cần bám sát quy hoạch của từng địa phương. Biểu dương kịp thời các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch, thực hiện đầy đủ phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ". Qua đó động viên, khích lệ, tạo thành phong trào thi đua giữa các hộ, các thôn, bản./.
(*) Tham luận của Báo Điện Biên Phủ tại Hội thảo "Báo Đảng địa phương tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới".