Tính ưu việt và nhân văn của BHXH tự nguyện BHXH tự nguyện là một trong các chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2008 theo quy định của Luật BHXH năm 2006; trong đó có các nội dung qui định về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH tự nguyện.
Đến ngày 20/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 để thay thế Luật BHXH năm 2006 quy định về chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 đã thể chế và hoàn thiện các quy định về chính sách BHXH theo hướng mở rộng và nâng cao quyền tham gia và thụ hưởng chế độ chính sách cho đông đảo người lao động vì mục tiêu an sinh cho mọi người dân khi về già. Trong đó nổi bật là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không khống chế trần tuổi. Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Anh Lê Văn Cường, xã Khánh An (huyện Yên Khánh), trước đây là công nhân một công ty trên địa bàn huyện Gia Viễn. Thời gian đó, anh được doanh nghiệp đóng đầy đủ BHXH. Tuy nhiên cách đây 5 năm, do điều kiện gia đình, anh phải nghỉ việc về quê làm công việc khác.
Khi được nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của xã tư vấn, anh Cường chuyển sang đóng BHXH tự nguyện. Từ đó đến nay, dù đã chuyển sang công việc tự do nhưng anh vẫn yên tâm vì được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ. "Trước đây, tôi cứ nghĩ phải là những người làm công chức nhà nước hoặc trong các nhà máy, xí nghiệp mới được đóng BHXH, có lương hưu khi về già. Nhưng hiện tại, tất cả mọi người, kể cả người nông dân và lao động tự do đều có cơ hội đó. Đây là một chính sách tốt, có ý nghĩa xã hội rất lớn, giúp chúng tôi bớt lo lắng khi hết tuổi lao động."- Anh Cường chia sẻ thêm.
Nhằm nâng cao hơn nữa tính nhân văn của chính sách này cũng như tháo gỡ, tiếp sức và chung tay với người lao động, mới đây, Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật BHXH về bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn.
Cụ thể các mức hỗ trợ là: 30% đối với người có hộ khẩu hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Đây là hình thức hỗ trợ nhằm tăng tính hấp hẫn của loại hình BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu có 50% dân số tham gia BHXH vào năm 2020.
Chị Nguyễn Thị Hằng, ở thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan) là người buôn bán hoa quả tại chợ, chồng chị làm thợ xây, công việc theo mùa. Thu nhập hai vợ chồng không ổn định, vừa lo chi tiêu gia đình vừa nuôi các con ăn học nên cuộc sống cũng không mấy dư dả.
Ban đầu khi được nhân viên đại lý thu tuyên truyền, tư vấn, chị Hằng cũng đắn đo, suy nghĩ; tuy nhiên được biết, hiện nay, chính sách BHXH đang được Nhà nước hỗ trợ theo từng đối tượng, đối với hộ cận nghèo như gia đình chị được hỗ trợ 25%. Suy đi tính lại, mỗi năm hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm để đóng vài triệu đồng nhưng lại được đảm bảo chăm sóc sức khỏe và nguồn lương nhất định cho cuộc sống khi về già, từ đó chị và chồng quyết định tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 4/2018.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc BHXH huyện, để giúp cho người dân nắm bắt về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, ngành BHXH đã tổ chức những buổi tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những đối tượng có nhu cầu và có nguồn thu nhập nhất định để khai thác hiệu quả.
Đồng thời giao trực tiếp cho các đại lý đến từng nơi vận động, theo hình thức "đến từng nhà, rà từng đối tượng", tư vấn, giải thích cặn kẽ, giúp cho mỗi người dân hiểu và tích cực tham gia BHXH tự nguyện. Từ đầu năm đến nay, các đại lý thu trên địa bàn huyện đã phát triển được thêm 30 người, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện lên trên 300 người.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách đến đối tượng
Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy, song trong thời gian qua, việc tham gia BHXH tự nguyện của người dân vẫn còn rất thấp. Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết năm 2017, toàn tỉnh mới chỉ có 2.656 người tham gia. Hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng gần 400 nghìn người trong độ tuổi lao động cần tham gia BHXH tự nguyện.
Điều đáng nói là hầu hết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là những người lao động đã từng tham gia BHXH bắt buộc, chưa đủ tuổi nhận lương hưu nên họ tham gia tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, còn lại số lao động tự do, người nông dân tham gia mới rất ít, hàng năm phát triển khá chậm.
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do kinh tế của người dân còn khó khăn, thu nhập không ổn định. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về BHXH tự nguyện chưa được quan tâm sâu sát, dẫn đến còn nhiều người chưa biết và chưa hiểu đầy đủ về chính sách này.
Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn được người lao động, bởi chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó người tham gia BHXH bắt buộc được Nhà nước hỗ trợ mức đóng và được hưởng 5 chế độ ưu đãi. Hoặc BHXH bắt buộc có giám định tỷ lệ về sức khỏe và tuổi để nghỉ hưu trước tuổi; còn đối với BHXH tự nguyện, người lao động phải đóng đủ 20 năm và đủ tuổi mới được hưởng lương hưu…
Hơn nữa, mặc dù đã có sự hỗ trợ của Nhà nước về mức đóng BHXH tự nguyện, nhưng nhiều người dân vẫn còn băn khoăn là số năm phải đóng quá dài, tới 20 năm… Đây là những băn khoăn, rào cản dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp và nhiều người dân còn lăn tăn, chưa "mặn mà" với chính sách này.
Theo ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, ở nước ta nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, ước tính có khoảng hơn 70% người cao tuổi chủ yếu sống ở vùng nông thôn, làm nông nghiệp, trong đó có rất nhiều người sống với con cháu và phần lớn họ không có tích lũy vật chất. Một tương lai không chỗ dựa, với hàng nghìn nông dân không có điểm tựa an sinh khi về già đang đặt ra thách thức cho an sinh xã hội ở nông thôn. Làm thế nào để người nông dân có thể hiểu và tham gia BHXH tự nguyện là khoảng trống cần lấp đầy trong thời gian tới, để bà con nông dân có thể tìm được điểm tựa khi về già.
Chính vì vậy nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người nông dân, lao động tự do, lao động ở các làng nghề... tham gia BHXH tự nguyện, từ ngày 1/1/2018 nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, theo đó đối tượng nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, đối tượng khác được hỗ trợ 10%.
Để thu hút thêm nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng là lao động tự do và người dân khu vực nông thôn. Tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân.
Đồng thời, BHXH các cấp cũng tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn, hội nông dân, ngành bưu điện...; trọng tâm là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và hỗ trợ nghiệp vụ, đa dạng hóa các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ.
Cùng với đó, ngành BHXH tiếp tục tham mưu với các cấp, ngành hữu quan bổ sung, mở rộng chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện như những người tham gia BHXH bắt buộc… Đặc biệt, ngành BHXH đang đề xuất Quốc hội xem xét và cải cách hệ thống BHXH, trong đó không nhất thiết phải đóng BHXH tự nguyện dài tới 20 năm như hiện nay.
Thay vào đó, thời gian đóng có thể chỉ từ 10-15 năm, trên nguyên tắc đóng ít hưởng ít - đóng nhiều hưởng nhiều. Đối với địa phương, ngành BHXH cũng đang đề xuất tăng mức hỗ trợ đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần tăng nhanh đối tượng tham gia trên địa bàn. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.
Mỹ Hạnh