Anh Đinh Văn Thái, phường Nam Bình năm nay mới 27 tuổi nhưng đã có gần 10 năm hút thuốc. Ngay từ hồi thanh niên anh đã theo bạn bè hút thuốc rồi nghiện không bỏ được. Giờ công việc lại là nghề lao động chân tay, thành ra ngơi tay là anh phải có điếu thuốc. Hiện anh đã chuyển sang hút thuốc lào, với mật độ hút hàng chục điếu/ngày. Những ngày thời tiết chuyển mùa, anh Thái rất khó thở, ho khan và nhiều đờm. Biết rõ nguyên nhân là do hút thuốc, nhưng anh cứ lần lữa mãi mà chưa thể bỏ được.
Ông Bùi Khắc Ngọc, 62 tuổi, xã Quỳnh Lưu (Nho Quan) đang phải điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 5 năm nay. Từ đầu năm 2019 đến nay, ông Ngọc đã 11 lần cấp cứu vào Bệnh viện Phổi điều trị, thời gian mỗi đợt từ 15-18 ngày. ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, ông thấy rõ tác hại của thuốc lá đến cơ thể mình. Bởi ông có hơn 40 năm hút thuốc lá, nghiện nặng đến mức hút đỏ tay, mỗi ngày ít nhất 2 bao thuốc. Giờ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, luôn phải nằm viện và thở bằng máy, việc đi lại, hưởng thụ cuộc sống gặp quá nhiều khó khăn, ông Ngọc thấy ân hận vì mình đã sa đà hút thuốc lá quá lâu.
Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm ung bướu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi Ninh Bình, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới thuốc lá như: Ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, viêm phế quản… chiếm từ 43 - 96%. Mỗi năm, các bệnh viện này khám và điều trị nội trú cho hàng nghìn lượt bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh ung thư phổi, chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số lượt bệnh nhân điều trị. Như tại Bệnh viện Phổi, trong tổng số mỗi ngày có từ 150-170 bệnh nhân đến khám, có đến gần 80% bệnh nhân mắc bệnh có nguyên nhân do đã và đang hút thuốc lá. Kết quả điều tra và theo dõi cho thấy, nguyên nhân của các bệnh về phổi phần nhiều là do hút thuốc lá trong thời gian dài, chiếm trên 80%.
Theo đại diện ngành Y tế tỉnh, những năm gần đây, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, mít tinh, tập huấn, thanh tra, kiểm tra, giám sát… nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sử dụng và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn, bởi tỷ lệ người hút thuốc lá, nhất là nam giới trưởng thành vẫn còn khá cao, trong khi việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc tại các điểm cấm chưa được triển khai đồng bộ...
Từ thực trạng trên, để Luật PCTHCTL thực sự đi vào cuộc sống, cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và sự tự giác, ý thức trách nhiệm và quyết tâm của mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường sống, nơi làm việc, khu vui chơi an toàn, không khói thuốc lá, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Mỹ Hạnh