Chúng ta đã triển khai 190 điểm điều trị ARV tại các quận, huyện của 20 tỉnh, thành phố, 64 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành; thành lập ba trung tâm điều trị quốc gia.
Số người bệnh được tiếp cận điều trị ARV là 23.695 người, trong đó hiện tiếp tục điều trị là 16.856 người. Hơn một nghìn trẻ em nhiễm HIV/AIDS đã được điều trị ARV.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ người lây nhiễm HIV/AIDS ở nước ta đang chững lại và có phần giảm là do công tác tuyên truyền trong thời gian qua đạt hiệu quả tốt.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong chương trình can thiệp giảm tác hại, hoạt động của các giáo dục viên đồng đẳng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, các hoạt động tập trung chủ yếu là truyền thông thay đổi hành vi, tư vấn cho các nhóm đối tượng can thiệp như nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm và người di biến động thông qua gặp gỡ cá nhân và sinh hoạt nhóm.
Ngoài ra, các đồng đẳng viên, cộng tác viên còn thực hiện việc phân phát, trao đổi bơm kim tiêm, phân phát bao cao-su miễn phí và giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ khác trong khuôn khổ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Các nhóm này thời gian qua đã phân phát được hơn năm triệu bơm kim tiêm sạch, thu gom gần bốn triệu bơm kim tiêm đã qua sử dụng, phát được gần 13 triệu bao cao-su cho các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao...
Việc tuyên truyền của các đồng đẳng viên đã làm tăng số lượng bao cao-su được bán qua tiếp thị xã hội (hơn 31 triệu bao) với vai trò là người bán bao cao-su tại các địa điểm như nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke...
Bên cạnh mô hình CLB, nhóm giáo dục đồng đẳng cũng được thành lập ở nhiều nơi như các nhóm "Vì ngày mai tươi sáng", nhóm "Bồ câu", CLB "Hữu Nghị", nhóm "Hải Âu", nhóm "Hương Lúa"... của những người nhiễm HIV/AIDS trên 63 tỉnh thành phố.
Mô hình CLB Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tiếp cận cộng đồng, tư vấn hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.
Theo Nhandan