Trao đổi với đồng chí Nguyễn Phi Hùng, Đại tá, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hoa Lư, chúng tôi được biết: Năm 2009, Hoa Lư được giao chỉ tiêu tuyển chọn 110 thanh niên đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, văn hóa, đạo đức, phẩm chất chính trị để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong đợt giao quân đợt 2-2009, Hoa Lư là đơn vị của tỉnh làm điểm việc đơn vị nhận quân là các đơn vị Tổng cục II và Bộ Tư lệnh Biên Phòng, trong đó, Bộ Tư lệnh Biên Phòng không phải thực hiện "3 gặp, 4 biết" (gặp người nhập ngũ, gặp gia đình và gặp chính quyền địa phương; biết về văn hóa, sức khỏe, lai lịch bản thân người nhập ngũ và gia đình) mà bước này thuộc về chính quyền địa phương và Ban CHQS huyện.
Xác định được trọng trách đó, ngay sau khi có kế hoạch giao quân của tỉnh, Ban CHQS huyện đã lên kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách địa bàn chủ động cùng với cơ sở rà soát và nắm chắc địa bàn mình theo dõi, đảm bảo chất lượng thanh niên giao cho các đơn vị nhận quân.
Khó khăn đặt ra cho công tác tuyển quân đó là, hiện nay ở Hoa Lư số thanh niên nam trong độ tuổi từ 18 - 25 đi làm ăn xa khá phổ biến. Thời điểm giao quân (đầu tháng 9), nhiều em vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học vẫn còn "dao động" vì chờ kết quả của các trường theo nguyện vọng 2. Trước thực tế đó, Hoa Lư đã đặt ra quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giao quân.
Hội đồng NVQS từ huyện đến cơ sở được kiện toàn và củng cố. Trên cơ sở chỉ tiêu giao quân của tỉnh, ngay từ tháng 7, Hoa Lư đã triển khai công tác tuyển chọn tại từng thôn, xóm và tất cả các khâu phải được tiến hành dân chủ, công khai từ công tác nắm nguồn, phúc tra, xét duyệt đến tuyển chọn hồ sơ. Thực hiện tốt phương châm "3 cử": cấp ủy cử, chính quyền cử và gia đình cử, từng bước xã hội hóa công tác tuyển quân, nhiều gia đình đã chủ động gọi người thân đang đi làm ăn xa về tham gia khám sơ tuyển. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị nhận quân (Tổng Cục II) trong việc đi cơ sở để thâm nhập, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc "3 gặp, 4 biết".
Riêng đối với những trường hợp giao quân cho đơn vị Bộ Tư lệnh Biên Phòng, mặc dù không thực hiện "3 gặp, 4 biết", trong buổi gặp mặt thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ, huyện đều mời đại diện của đơn vị về dự. Chính vì vậy, các đơn vị nhận quân đã xác định đối tượng đủ tiêu chuẩn, chốt quân số để huyện phát lệnh nhập ngũ phù hợp, giảm được số lượng dự phòng ở mức thấp nhất.
Để làm tốt công tác tuyển quân, Hoa Lư đã tập trung tuyên truyền sâu rộng Luật NVQS, truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống cách mạng của quê hương gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ đó khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong lực lượng đoàn viên, thanh niên tinh thần yêu nước, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ tổ quốc.
Đến thời điểm này, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2009 ở Hoa Lư đã hoàn tất các bước theo đúng quy trình, kế hoạch, chỉ tiêu, số lượng, đảm bảo chất lượng. Trong tổng số 110 đối tượng đã phát lệnh gọi thanh niên nhập ngũ, 45 người có sức khỏe loại 1 (đạt tỷ lệ 40,9%); 82 người có trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT, 100% đều là đoàn viên, thanh niên. Trước khi lên đường tòng quân, Huyện ủy đã tổ chức cho 36 đoàn viên học lớp đối tượng Đảng, chuẩn bị tư tưởng để các tân binh có điều kiện phát triển tốt hơn trong quân ngũ. Quá trình khám tuyển cho thấy, đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ lần này được làm tốt hơn so với các năm trước, đảm bảo không có trường hợp nào trả lại về sức khỏe, về chính trị, về tệ nạn xã hội…
Chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với tân binh và gia đình của tân binh Hoàng Minh Tuấn ở phố Đông Nam (thị trấn Thiên Tôn) trước khi em lên đường nhập ngũ. Ông Hoàng Minh Tiến (bố của Tuấn) tâm sự: Gia đình tôi có ông nội và anh trai của Tuấn từng là những người lính Cụ Hồ. Việc Tuấn nhập ngũ lần này cũng là tâm nguyện của ông nội và là mong muốn của gia đình. Quân đội là một trường học tổng hợp, môi trường này sẽ rèn luyện, đào tạo nên những quân nhân cách mạng, con người mới cho đất nước. Vì vậy đây sẽ là môi trường tốt để Tuấn vào đời.
Nói chuyện về mình, Tuấn có vẻ rụt rè thoáng chút vô tư, hồn nhiên của tuổi học trò. Nhưng khi nói về những dự định của mình trong quân ngũ, Tuấn tỏ ra rắn rỏi, cương nghị và đầy quyết tâm: Được khoác trên mình màu xanh áo lính, trở thành bộ đội Cụ Hồ là niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi trẻ chúng em. Vào quân ngũ em sẽ cố gắng rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng là con em của mảnh đất Cố đô.
Tâm sự của Tuấn có lẽ là tâm sự của rất nhiều thanh niên Hoa Lư trước ngày nhập ngũ. Được biết, trước đó, trong không khí háo hức chờ ngày hội tòng quân, tất cả các địa phương trong huyện đã tổ chức gặp mặt, giao lưu văn nghệ, nói chuyện truyền thống. Hoạt động này đã được làm thường niên và mang lại nhiều bổ ích thiết thực, động viên, trao đổi kinh nghiệm quý cho những thanh niên nhập ngũ, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tư tưởng cho mọi người dân hiểu đầy đủ và tự giác chấp hành NVQS.
Đinh Ngọc