Trước kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Thành Đông, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả chủ yếu đạt được của Trường Đại học Hoa Lư sau 4 năm thành lập?
Đồng chí Bùi Thành Đông: Trường Đại học Hoa Lư có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh lân cận. Hiện nay, Trường có 18 đơn vị trực thuộc (7 phòng, ban chức năng, 7 khoa đào tạo, 2 bộ môn và 2 trung tâm). Tổng số cán bộ, viên chức gồm 280 người, trong đó, đội ngũ giảng viên là 195 người. Về trình độ, có 2 Tiến sỹ, 94 Thạc sỹ, 56 người đang đi NCS và học cao học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngước.
Sinh viên Trường Đại học Hoa Lư trong giờ Tin học. Ảnh: Phương Thảo
Trước khi được nâng cấp thành trường đại học, Trường có nhiệm vụ đào tạo các ngành sư phạm. Từ năm học 2007-2008, Trường mở thêm các ngành đào tạo mới ở bậc đại học và cao đẳng, gồm: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Văn hóa Du lịch, Nông nghiệp, Quản trị văn phòng, Tin học ứng dụng, Thư viện - thông tin, Công nghệ thiết bị trường học và một số ngành sư phạm. Hiện nay, tổng số ngành đào tạo của Trường là 31 ngành (đại học: 10 ngành; cao đẳng: 21 ngành). Trong công tác tuyển sinh, do chuẩn bị chu đáo và chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nên công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy trong các năm 2007, 2008, 2009, 2010 của trường đạt kết quả tốt, nằm trong tốp đầu những trường Đại học do địa phương quản lý. Chất lượng đầu vào đạt khá, sinh viên được tuyển vào đều có điểm đạt trên mức điểm sàn do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Năm 2007, tuyển sinh được 348/370 sinh viên, đạt 94% chỉ tiêu; năm 2008, tuyển sinh được 1.095/1.200 sinh viên, đạt 85% chỉ tiêu; năm 2009, tuyển sinh được 943/1.050 sinh viên, đạt 89% chỉ tiêu; năm 2010, tuyển sinh được 949/1.100 sinh viên, đạt 86% chỉ tiêu.
Ngoài tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, nhà trường còn tuyển sinh trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học các ngành Giáo dục Mầm non, Kế toán. Trong các 2009, 2010, đã tuyển được 350 học viên, đạt 100% chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, nhà trường liên kết với một số trường đại học, cao đẳng có uy tín trong nước để đào tạo. Hiện nay, quy mô đào tạo của trường là 4.830 học sinh, sinh viên (tăng so với năm học 2006- 2007 gần 3.000 học sinh, sinh viên), trong đó: Đào tạo chính quy: 2.730 sinh viên; Đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm: 350 học viên; đào tạo liên kết: 1.750 học viên.
P.V: Xin đồng chí cho biết những căn cứ để nhà trường mở rộng quy mô đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường như thế nào?
Đồng chí Bùi Thành Đông: Với chức năng, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì thế các ngành nghề mà nhà trường đào tạo đều xuất phát từ thực tiễn, đó là: nhu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhu cầu học tập của người dân; kế hoạch hợp tác đào tạo giữa nhà trường với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của nhà trường... Năm 2010, sinh viên tốt nghiệp ra trường, đối với các ngành đào tạo mới đều được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó gần 100% sinh viên ngành Thư viện- Thông tin, Văn hóa du lịch và Trung cấp nghề du lịch được tuyển dụng.
Để sinh viên có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, trước hết, trong công tác đào tạo, nhà trường tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các cơ sở sản suất để sinh viên có điều kiện thường xuyên thâm nhập thực tiễn, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn và tìm hiểu nhu cầu những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; nhà trường giao cho Đoàn thanh niên, Hội sinh viên liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu có liên quan đến nghề nghiệp sinh viên sẽ làm sau này; giao cho phòng Công tác sinh viên, khoa Giáo dục thường xuyên phối hợp với một số đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên. Công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên bước đầu thu được kết quả tốt. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã đến trường liên hệ tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng nhân lực và nhiều sinh viên đã được tuyển dụng làm việc. Hiện nay, Nhà trường đang xúc tiến thành lập bộ phận quan hệ với các cơ quan, doanh nghiệp để hợp tác trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
P.V: Đồng chí cho biết tình hình tuyển sinh năm nay của nhà trường?
Đồng chí Bùi Thành Đông: Trường Đại học Hoa Lư không tổ chức thi tuyển mà tổ chức xét tuyển nguyện vọng vào Trường theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Căn cứ chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh giao, năm 2011, Trường Đại học Hoa Lư sẽ tuyển sinh 1.800 sinh viên, trong đó: Đào tạo chính quy: 900 chỉ tiêu (bậc đại học: 450; bậc cao đẳng: 450); Liên thông hệ chính quy từ cao đẳng lên đại học: 300 chỉ tiêu: Hình thức vừa làm vừa học: 300 chỉ tiêu; Liên kết đào tạo: 300 chỉ tiêu.
Đối với tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, nhà trường đã thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, thông tin chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo của nhà trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website trường và gửi thông báo, áp phích quảng bá đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Bước đầu đã có trên 1.000 hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 hệ đào tạo chính quy gửi về Trường; đối với tuyển sinh hệ vừa làm vừa học, nhà trường đã hoàn thành tuyển sinh đợt 1 trình độ đại học các ngành Kế toán, Giáo dục Mầm non, đang chuẩn bị tuyển sinh đợt 2 với 200 chỉ tiêu các ngành Văn hóa Du lịch, Giáo dục Mầm non và Kế toán; Đối với hệ liên kết đào tạo, nhà trường đang liên kết với Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành Quản lý văn hóa, Thông tin- Thư viện và trình độ Thạc sỹ ngành Kinh tế, tiếp tục liên kết với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tuyển sinh đào tạo trung cấp nghề Du lịch.
P.V : Xin cảm ơn đồng chí !
Hồng Vân (thực hiện)