Tại chợ hoa thành phố Ninh Bình hay trên con đường dài hàng chục km từ thành phố Ninh Bình vào thành phố Tam Điệp và cả hai bên đường vào xã Đông Sơn, dễ dàng nhận thấy những cành đào phai Đông Sơn đang được vận chuyển, chào bán và thu hút không ít khách hàng tìm hiểu, chọn mua.
Điều làm những người yêu đào, nhất là những khách hàng mới lần đầu tìm đến với đào phai Đông Sơn cảm kích là không chỉ khi hai bên đường vào trung tâm xã Đông Sơn được bày thành hàng lối các cành đào, cây đào đủ loại lớn, nhỏ, trong đó có nhiều cây đào già lâu năm, có thế đẹp mắt; mà những người bán hàng ai ai cũng vui tươi, cởi mở, thân thiện, thể hiện rõ niềm tự hào về cây đào của làng mình đang được khách hàng xa-gần tìm đến, không ngớt lời khen ngợi, xúyt xoa.
Trong vườn đào đã được đốn tỉa quá nửa vừa bán phục vụ Tết Đinh Dậu 2017, anh Phạm Đăng Tưởng, thôn 9, xã Đông Sơn vẫn nhanh tay cùng con trai cắt thêm 5 cành đào có thời gian ươm trồng khoảng 5-7 năm tuổi cho khách quen Hà Nội về. Niềm vui lớn của người trồng đào như anh Tưởng khi hàng chục năm nay, những vị khách chơi đào quen ấy vẫn quay lại và được chủ vườn để lại những gốc đào hợp với sở thích và túi tiền của họ.
Anh Đinh Vạn Lịch, khách hàng Hà Nội cho biết: Đã hơn chục năm nay, năm nào anh cũng về làng đào phai Đông Sơn chọn đào và trở thành khách quen của chủ vườn Phạm Đăng Tưởng. Không cần đặt chọn trước, anh Lịch vẫn được chủ vườn "chốt" để lại những gốc đào nhìn là phải "mê" và ưng ngay. Từ một mình "chơi" đào phai, vài năm nay, anh Lịch đã kéo hàng chục bạn bè mình cùng "say" thú chơi đào phai Đông Sơn dù phải đi hàng trăm km mới có.
Anh Phạm Đăng Tưởng, một trong những chủ vườn lớn của làng đào phai thôn 9, Đông Sơn chia sẻ: Gia đình anh có 1 mẫu đào phai với hàng nghìn gốc được trồng gối vụ và chiết ghép phù hợp theo độ tuổi của cây. Có truyền thống trồng đào gần 30 năm nay, vài năm gần đây, anh Tưởng chuyển sang ươm, trồng để những gốc đào già, cổ, chiết ghép và tỉa theo hình thức tâm linh các dáng từ 3-9 chạc, đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách hàng. Có kinh nghiệm trồng, lại cần mẫn, chăm chỉ tìm hiểu sở thích, yêu cầu của khách hàng, đào phai của anh luôn được đặt trước và bán giá cao.
Từ giữa tháng Chạp đến nay, anh Tưởng đã cho thuê trên 30 gốc đào, có giá 3-5 triệu đồng/gốc/15 ngày và bán được trên 200 cành đào, có giá từ 500 nghìn-vài triệu đồng/cành. Thu nhập từ trồng đào mỗi năm mang về cho gia đình vài trăm triệu đồng, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục lao động trong gia đình và tại địa phương.
Ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: Nghề trồng đào ở Đông Sơn được xác nhận đã có từ khá lâu, có thể từ thời kỳ Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh nhưng phát triển mạnh vào khoảng hơn chục năm gần đây. Hiện xã đã được UBND tỉnh công nhận 10 làng nghề trồng đào với gần 1 nghìn hộ tham gia trên diện tích hơn 100 ha. Đấy là chưa kể những diện tích trồng đào trong các vườn nhà, các khu đất trống của các hộ dân trên địa bàn xã với khoảng vài chục ha trồng đào nữa.
Mặc dù người trồng đào Đông Sơn đã có kinh nghiệm qua nhiều năm gắn bó với loại cây này, nhưng chính quyền xã cũng đã rất tích cực tìm nhiều giải pháp trong việc đưa cây đào phai thành cây có thương hiệu riêng và mang tính hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn xã.
Theo đó, ngoài tích cực quy hoạch vùng, hoàn thiện các tiêu chí làng nghề, xã Đông Sơn đã tăng cường tập huấn chuyển giao KHKT cho người trồng đào và nỗ lực quảng bá về thương hiệu đào phai trong và ngoài tỉnh đến nhiều khách hàng. Năm nay, để khuyến khích người dân, nhất là những hộ có kinh nghiệm, tâm huyết, nhiều năm gắn bó với nghề trồng đào, xã đã tổ chức hội thi cây đào, cành đào đẹp.
Theo đó, tất cả 10 thôn, mỗi thôn chọn ra ít nhất 3 cành đào và 3 cây đào đẹp nhất để dự thi. Đã có gần 100 cây đào, cành đào đẹp được tuyển chọn tham gia dự thi để ban tổ chức, người dân các thôn và khách hàng bình chọn. Kết quả, các danh hiệu cây đào, cành đào đạt các tiêu chí đặc biệt, đẹp, lâu năm, có thế… đã được bình bầu, tuyển chọn trao giải từ 1-2 triệu đồng, thu hút khá nhiều người trồng đào và khách hàng tham gia. Tại hội thi, đã có những gốc đào, cây đào nhiều năm tuổi được trả giá khá cao, từ 5-7 triệu đồng, tạo nên không khí thi đua, say mê với nghề trồng đào.
Cũng theo ông Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Cư, thị trường cây đào phai Đông Sơn hiện không chỉ ở trong tỉnh Ninh Bình mà được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó có thị trường rộng lớn và khó tính là Hà Nội. Từ trồng đào, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định mỗi năm từ vài trăm đến gần tỷ đồng.
Doanh thu từ trồng đào trên địa bàn xã liên tục tăng qua các năm: Năm 2015 đạt hơn 7 tỷ đồng, năm 2016 đạt trên 9 tỷ đồng và dịp Tết Đinh Dậu năm 2017 này ước đạt hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn xã.
Với những thuận lợi đã có, để cây đào phai Đông Sơn ngày càng khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trong thị trường cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán hàng năm, xã Đông Sơn tiếp tục huy động nguồn lực tập trung vào việc tập huấn chuyển giao KHKT; có chính sách động viên, bảo vệ các cây đào cổ; hoàn thiện hệ thống kênh tưới, tiêu; đặc biệt là tập trung vào việc quảng bá, tuyên truyền sâu rộng để khách hàng trong và ngoài tỉnh biết nhiều hơn về cây đào phai Đông Sơn, chủ động được thị trường, tạo đầu ra và giá cả ổn định, góp phần để nghề trồng đào phai truyền thống trên địa bàn ngày càng phát triển và bền vững.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh