Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh được biết, yếu tố ảnh hưởng tới việc mất cân bằng giới tính khi sinh là do ảnh hưởng của truyền thống Nho giáo tại Việt Nam, với tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" của nhiều người. Bên cạnh đó, cùng với điều kiện kinh tế, khoa học - kỹ thuật phát triển, mọi người dễ dàng tiếp cận với các phương pháp chọn lọc, siêu âm chẩn đoán giới tính để sinh con theo ý muốn.
Để giảm thiểu và từng bước khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động can thiệp đồng bộ, hiệu quả. Chi cục đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh; phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các đơn vị phát hành sách, các xuất bản phẩm, tài liệu có nội dung tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi ở 10 cửa hàng bán sách tại 8/8 huyện, thành phố, thị xã; thực hiện tốt cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; duy trì sinh hoạt các loại hình CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc"…
Qua đó mỗi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số; đồng thời thay đổi nhận thức của đối tượng sinh con một bề là gái đang có ý định sinh tiếp để có con trai. Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2015 được UBND tỉnh phê duyệt đã hướng đến các mục tiêu cụ thể như: Tăng cường cung cấp thông tin giáo dục truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên; thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ và gia đình sinh con một bề là gái...
Đến nay, Đề án đã được triển khai 114 xã, phường, thị trấn. Cùng với các kênh truyền thông đại chúng, năm 2013 Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Công đoàn ngành Y tế tổ chức 6 lớp cung cấp về Đề án "Tầm soát dị dạng, dị tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh" cho hơn 600 công đoàn viên cấp cơ sở ngành y tế; tổ chức 4 lớp tuyên truyền viên Mô hình "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" tại huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình; 11 lớp cung cấp kiến thức cho cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể của xã, 129 lớp cung cấp kiến thức cho gần 6.000 người dân tại các thôn, xóm về thực trạng, nguyên nhân và hậu quả và những giải pháp nhằm can thiệp, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Cùng với các hoạt động trên, ngành Y tế đã triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 tỉnh Ninh Bình. Mục tiêu là duy trì tỷ lệ tăng dân số ở mức khoảng 0,9% vào năm 2015 và ổn định ở mức khoảng 0,8% vào năm 2020; kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào các địa phương mất cân bằng giới tính khi sinh cao, chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh không quá 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2015 và không quá 110-112 bé trai/100 bé gái vào năm 2020...
Bằng các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đạt mục tiêu Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản tỉnh giai đoạn 2011- 2015, tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh đang dần được kiểm soát. Trong năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 114 bé trai/100 bé gái, năm 2012 là 115,2 bé trai/100 bé gái, năm 2013 là 114,4 bé trai/100 bé gái. Nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như: thị xã Tam Điệp tỷ số giới tính khi sinh năm 2013 là 112,5 trai/100 gái (giảm 4,5 điểm %), huyện Yên Mô là 112 trai/100 gái (giảm 8 điểm %)...
Năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ sinh xuống 114 bé trai/100 bé gái (giảm 0,4 điểm % so với năm 2013). Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Dân số tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động của Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh giai đoạn 2011-2015, tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn, trong đó chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người cung cấp dịch vụ; tuyên truyền sâu rộng tới người dân những chính sách, pháp luật về công tác dân số -KHHGĐ và hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bài, ảnh: Tiến Minh