Mục tiêu là phấn đấu đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm; tạo thành thói quen về sản xuất vụ đông trong nhân dân, từ đó nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân. Phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Bách, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT. Phóng viên (P/V): Thưa đồng chí tỉnh Ninh Bình đang phấn đấu đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, vậy tiêu chí nào để được coi là vụ sản xuất chính?
Đồng chí Trần Văn Bách (Đ/c T.V.B): Vụ đông để được coi là vụ sản xuất chính phải bao gồm nhiều tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên với điều kiện, tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và vụ đông nói riêng của tỉnh (tập quán canh tác, trình độ thâm canh, điều kiện đất đai thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu…) thì tiêu chí quan trọng là diện tích gieo trồng cây vụ đông so với diện tích gieo trồng của vụ mùa. Vụ đông được coi là vụ chính khi diện tích cây vụ đông đạt được bằng 1/2 diện tích gieo trồng vụ mùa trở lên. Với tiêu chí này và điều kiện đất đai, đồng ruộng của tỉnh (đất màu ít), thì không còn cách nào khác là phải mở rộng diện tích cây đông xuống đất 2 lúa. Đây cũng là một chỉ tiêu quan trọng, cụ thể của các địa phương, đơn vị trong việc sản xuất vụ đông. Ngoài tiêu chí về diện tích thì các tiêu chí về giá trị sản lượng, giá trị hàng hóa, giá trị/ha canh tác và hiệu quả kinh tế cũng được xem xét và tính toán đến; bởi nếu chỉ có số lượng mà không có chất lượng nghĩa là sản xuất đó không đạt giá trị cao, hiệu quả lớn, thì sản xuất đó cũng vô nghĩa.
P/v: Xin đồng chí cho biết, lộ trình đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, những kết quả đạt được, thuận lợi và khó khăn?
Đ/c: T.V.B: Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2010, tổng diện tích cây vụ đông đạt từ 25.000 ha trở lên, trong đó có từ 17.000 - 18.000 ha trên đất 2 lúa. Với điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu, cơ sở vật chất hạ tầng; tập quán, trình độ canh tác của nông dân nên chúng ta phải có lộ trình và từng bước phấn đấu qua các năm.
Chăm sóc cây vụ đông ở xã Khánh Hải (Yên Khánh). Ảnh: P.T
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 03, diện tích và giá trị cây vụ đông đã có bước tiến "nhảy vọt". Nếu như vụ đông năm 2005 cả tỉnh chỉ gieo trồng được 9.377,8 ha cây vụ đông các loại, thì đến năm 2007 đã gieo trồng được 16.220,5 ha cây vụ đông các loại, tăng 6.832,7 ha; trong đó diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa (năm 2007) đạt 10.834,4 ha. Các cây trồng vụ đông phần lớn là những cây có giá trị hàng hóa cao; thêm vào đó là sự nỗ lực, xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cũng như tích cực đưa các giống có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng…, nhờ vậy mà giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích không ngừng được nâng lên. Vụ đông năm 2006, giá trị đạt 218.520 triệu đồng; bằng 180% giá trị vụ đông năm 2005. Vụ đông năm 2007, giá trị đạt 258.601 triệu đồng, bằng 131,6% so với năm 2006. Năm 2005, giá trị bình quân trên 1 ha gieo trồng cây vụ đông đạt 14,88 triệu đồng; thì năm 2007 giá trị bình quân trên 1 ha đạt 15,94 triệu đồng. Vụ đông đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp từ 31,3 triệu đồng (năm 2006) lên 41,5 triệu đồng (năm 2007).
Cũng sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển vụ đông đến năm 2010, kết quả và tình hình thực tế đã cho thấy: Nghị quyết 03 là động lực lớn, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành thực hiện, làm thay đổi căn bản từ nhận thức đến hành động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sản xuất vụ đông ở các cấp ủy đảng, chính quyền; tạo ra một khí thế mới trong lao động sản xuất của nhân dân. Các cấp, các ngành đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ. Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đã được quan tâm hơn. Đã có sự liên kết theo mô hình 4 nhà, tạo ra sự yên tâm trong sản xuất. Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho vụ đông phát triển.
Tuy nhiên, do thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, đầu vụ thường gặp mưa lớn, gây úng, ngập. Hệ thống công trình thủy lợi chưa đầy đủ, chưa phát huy được hiệu quả cao. Một số nơi sản xuất vụ đông chưa trở thành tập quán.Việc thực hiện quy trình kỹ thuật chưa nghiêm, trình độ thâm canh còn yếu, không được đầu tư kịp thời, đúng lúc…
P/v: Đồng chí cho biết mục tiêu, kế hoạch và tiến độ thực hiện vụ đông 2008?
Đ/c T.V.B: Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND của UBND tỉnh, vụ đông năm 2008 phấn đấu trồng từ 19.000 ha cây vụ đông các loại trở lên. Tùy điều kiện địa hình, đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, tập quán canh tác của từng địa phương mà có kế hoạch cụ thể, gieo trồng nhiều loại cây trồng này hoặc cây trồng kia. Trong tổng số diện tích cây vụ đông trên, có trên 12.500 ha cây vụ đông được trồng ở vùng đất 2 lúa. Loại cây chủ lực vẫn là: đậu tương gần 7000ha, ngô gần 4500 ha, khoai tây trên 1.200ha, khoai lang trên 2000 ha, lạc gần 500 ha, khoai sọ 350 ha, bí xanh gần 400 ha, rau các loại trên 3000 ha; ngoài ra còn một số cây trồng khác như ớt xuất khẩu, cà chua, dưa chuột… Các địa phương có thế mạnh truyền thống như: Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô,… vẫn là những nơi có diện tích cây vụ đông cao nhất (trên 4.000 ha)
Mặc dù gặp bất lợi về thời tiết, khí hậu, lại bị khống chế bởi khung thời vụ (do thời gian gieo cấy lúa của các vụ trước bị chậm lại) nhưng đến thời điểm ngày 15-10, nhân dân toàn tỉnh cũng đã trồng được 13.813,6 ha cây vụ đông các loại, trong đó: Ngô 3.449,3 ha, đậu tương 7.056,5 ha, khoai lang 993,2 ha, rau đậu các loại 1.519,3 ha. Diện tích cây đông đã trồng được ở các huyện thị là: Nho Quan 1.067,5 ha, Gia Viễn 2.108 ha, Yên Mô 3.139 ha, Yên Khánh 4.644,8 ha…
Nhìn chung, các địa phương đang đẩy mạnh công tác thu mùa làm vụ đông với tinh thần gặt đến đâu trồng cây đông đến đó. Khung thời vụ cho cây đông ưa ấm (ngô, đậu tương, lạc…) về cơ bản đã hết. Các địa phương cần tích cực chỉ đạo, lãnh đạo nhân dân tranh thủ thời gian, lách thời tiết, mở rộng diện tích cây đông ưa lạnh (khoai lang, khoai tây, bí, rau…) đảm bảo không chỉ vượt về diện tích gieo trồng mà sản phẩm còn có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Với kinh nghiệm và đà thắng lợi của các vụ trước hy vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra và từng bước đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (Thực hiện)