Năm 2017, ngay sau khi Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 2424 về việc hướng dẫn thực hiện "Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng"; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xác định nhu cầu bổ nhiệm đến năm 2019.
Trên cơ sở đó dự kiến các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn, tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh.
Để thống nhất về nhận thức, trách nhiệm và quá trình triển khai thực hiện việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, ngay từ khi triển khai thực hiện Đề án, tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ các cấp của thành phố và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia giám sát, đánh giá sự khách quan, hiệu quả công tác thi tuyển.
Theo đó, việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện gồm 2 phần thi: thi viết và thi trình bày đề án. Trong đó, nội dung thi viết là phần thi nhằm đánh giá những hiểu biết của các thí sinh về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định.
Phần trình bày đề án là cơ hội để các thí sinh đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn.
Kể từ triển khai Đề án đến nay, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thi tuyển 25 chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp (diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 1 chức danh; diện UBND tỉnh quản lý 1 chức danh; diện cơ quan, đơn vị quản lý 23 chức danh). Qua đánh giá hàng năm, những cá nhân được bổ nhiệm sau thi tuyển đã thể hiện, phát huy được năng lực, trình độ, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thông qua thi tuyển, theo nguyên tắc cạnh tranh công khai, khách quan, công bằng đã thu hút, phát hiện, tuyển chọn những người có năng lực, trình độ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh.
Đánh giá sơ bộ về kết quả bước đầu sau 3 năm triển khai thí điểm Đề án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đồng chí Đinh Công Toản, TUV, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng công tác đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý có nhiều ưu điểm, đó là: đảm bảo được vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức cán bộ, quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý được công khai, minh bạch; người dự thi được bình đẳng, tiếp cận các nguồn thông tin để chủ động thể hiện năng lực bản thân.
Thông qua thi tuyển chức danh lãnh đạo vừa đánh giá được chất lượng quy hoạch cán bộ vừa đảm bảo được việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong công tác tổ chức cán bộ trước mắt cũng như lâu dài. Nội dung hình thức thi tuyển có nhiều đổi mới so với hình thức thi tuyển thông thường (thi viết) nên đã đánh giá được người tham gia dự tuyển về năng lực và các kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo.
Tuy vậy, sau 3 năm triển khai Đề án trên địa bàn cho thấy số lượng người tham gia tuyển chọn trên địa bàn tỉnh còn ít so với kế hoạch đề ra; việc thí điểm tuyển chọn lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng. Nguyên nhân của tình trạng này là do đối tượng dự thi còn e ngại, chưa mạnh dạn đăng ký thi tuyển; do sắp xếp tổ chức bộ máy nên dôi dư số vị trí lãnh đạo cần phải thực hiện phương án điều động, bổ nhiệm để đảm bảo số lượng lãnh đạo, quản lý hợp lý. Hơn nữa, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo là việc mới ở một số cơ quan, đơn vị chưa có kinh nghiệm trong việc ra đề, chấm thi và phản biện đề án...
Việc thí điểm thi tuyển chọn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý là chủ trương đúng đắn nhằm đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng nể nang, cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra, tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh và tích cực. Kịp thời phát hiện những nhân tố mới để tạo nguồn cán bộ trẻ, tạo dựng được tư tưởng và lòng tin, thúc đẩy cán bộ, công chức không ngừng học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên.
Vì vậy, để việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý đảm bảo thực chất, hiệu quả cần sự quyết tâm, thống nhất cao của cấp ủy đảng và tập thể lãnh đạo, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, thực hiện. Cùng với đó, cần làm tốt công tác tư tưởng; động viên, khích lệ tinh thần các đối tượng thuộc diện được tham gia thi tuyển, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có đối tượng tham gia thi tuyển... Có như vậy mới tạo ra bước chuyển tích cực trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm những người thực tài tham gia đảm nhận các cương vị lãnh đạo, quản lý.
Mai Lan