Nghề nào cũng cần đam mê
Là cánh tay đắc lực của doanh nghiệp bảo hiểm, các tư vấn viên bảo hiểm luôn được doanh nghiệp quan tâm và hỗ trợ. Ngoài khoản hoa hồng đại lý được quy định theo luật, những trợ cấp thêm trong công tác, mỗi năm họ còn nhận được những phần quà hấp dẫn, những chuyến du lịch trong và ngoài nước, những suất học bổng có giá trị lớn… Đối với những cá nhân xuất sắc, ít ai tưởng tượng được mức thu nhập bình quân một năm có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Số lượng hợp đồng ký được càng lớn thì hoa hồng ăn theo phần trăm giá trị hợp đồng họ thu được càng cao.
Nguyễn Hữu Bạch (Công ty Bảo việt Ninh Bình) cho biết: Để đạt được thành công đó, những người tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp luôn coi đó là nghề chính của mình, luôn lăn lộn, trăn trở với nghề, dành hết tâm huyết với nghề. Câu nói từ ngàn đời "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" thực sự vẫn đúng đối với những người có niềm tin và đam mê công việc.
Điều cốt yếu là những nhân viên tư vấn bảo hiểm phải tạo cho khách hàng cảm nhận về uy tín và sự an toàn của công ty bảo hiểm họ đại diện.
Nếu muốn theo nghề này phải có một số tố chất như kiên trì, nhẫn nại, hiểu đặc thù công việc và chấp nhận đi theo con đường không bằng phẳng của nghề này. Có khi cả tháng trời không bán được hợp đồng bảo hiểm nào; nhiều khi khách hàng hủy hợp đồng để chuyển sang công ty bảo hiểm khác chỉ vì nhân viên tư vấn ở công ty đó khéo léo hơn...
Vũ Thu Phương, làm tư vấn viên cho bảo hiểm Bưu điện cho biết: Chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên, trải qua 1 khóa đào tạo ngắn ngày với những kiến thức sơ đẳng nhất về bảo hiểm, bất cứ ai cũng có thể trở thành người tư vấn bảo hiểm. Không đòi hỏi bằng cấp, trình độ văn hóa, lại không bó hẹp về thời gian và không gian làm việc, đây được coi là nghề tay trái mang tính chất thời vụ hấp dẫn với sinh viên, những người làm nghề tự do… Cũng chính vì lối tư duy đó, nhiều người khó có khả năng trở thành tư vấn viên chuyên nghiệp và khó gắn bó lâu dài với nghề. Mỗi năm, bên cạnh những tư vấn viên mới được cấp bằng hành nghề, là một lượng không nhỏ tư vấn viên bỏ nghề, đó là chưa kể đến một số lượng lớn tư vấn viên hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Vì thế, để sống được với nghề, những tư vấn viên bảo hiểm phải có niềm đam mê, xây dựng một kế hoạch lâu dài cho sự nghiệp; tự mình rút ra kinh nghiệm của những lần thất bại, tự đứng lên và tiếp tục vượt qua những khó khăn mới...
Trong vòng xoáy cạnh tranh
Những năm gần đây, sự gia tăng liên tục về số lượng của doanh nghiệp bảo hiểm, kéo theo đó là sự bùng nổ về số lượng đại lý bảo hiểm khiến tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Là cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, đưa sản phẩm bảo hiểm đến tận tay khách hàng, người tư vấn bảo hiểm cũng không thoát khỏi vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt đó. Các sản phẩm bảo hiểm từ những công ty nước ngoài như AIA, Prudential, Manulife đến những công ty trong nước như Bảo Việt, bảo hiểm Xuân Thành, Pjico, Bảo Minh, bảo hiểm Bưu điện...tràn ngập thị trường, cơ hội để khách hàng lựa chọn vì thế đa dạng và phong phú hơn rất nhiều, tính cạnh tranh giữa các tư vấn viên bảo hiểm ngày càng cao. Người tư vấn bảo hiểm càng khó khăn hơn trong việc thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm của công ty mình và lao tâm khổ tứ hơn để giữ khách hàng truyền thống.
Chị Trần Thị Liên (Bảo hiểm AIA) tâm sự: Kiếm được khách hàng mới đã khó, duy trì được khách hàng tiềm năng càng mất nhiều công sức hơn. Không chỉ luôn ý thức duy trì mối quan hệ tốt đẹp, tình cảm thân thiết, bồi đắp thêm niềm tin, những người tư vấn bảo hiểm còn phải luôn coi khách hàng của mình như người thân ruột thịt, năng qua lại, thăm hỏi, động viên, không bỏ lỡ bất cứ sự kiện vui buồn nào, tư vấn kịp thời, giải đáp thắc mắc mọi lúc, mọi nơi, làm sao thỏa mãn tốt nhất mọi nhu cầu ngày càng cao của những thượng đế... Còn theo Hồng Hạnh, người đang "đầu quân" cho Manulife thì: Người tư vấn bảo hiểm phải không ngừng trang bị kiến thức bảo hiểm, nắm vững từng loại sản phẩm bảo hiểm, biết được sự khác nhau về quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm đối với từng hợp đồng bảo hiểm để tư vấn một cách chi tiết nhất, đem lại quyền lợi cao nhất cho khách hàng. Không chỉ dừng lại ở đó, người tư vấn bảo hiểm phải là người maketting giỏi, một nhà tâm lý tài ba và một người bán hàng chuyên nghiệp. Bởi hơn ai hết, họ vừa là người tư vấn, vừa là người bán sản phẩm bảo hiểm. Cách để thuyết phục khách hàng không phải là ra rả quảng cáo " sản phẩm này tốt lắm, sản phẩm này đem lại nhiều lợi ích lắm" mà phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Tư vấn viên bảo hiểm phải tiếp cận khách hàng, phân loại khách hàng và nắm bắt được tâm lý cũng như nhu cầu của khách hàng. Tất cả phải trở thành kỹ năng điêu luyện để những người tư vấn viên bảo hiểm có thể bám trụ với nghề trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt.
Đức Quỳnh