Phần thứ nhất là khái quát một số nét về đất và người Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư). Các tác giả đã căn cứ những tư liệu từ lịch sử Đảng bộ Hoa Lư, địa chí tỉnh Ninh Bình để chứng minh và làm nổi bật nền tảng giáo dục Hoa Lư.
Ban biên soạn còn dày công sưu tầm những tư liệu mà các thầy, cô giáo các thế hệ trước đã ghi chép lại. Với tinh thần làm việc say mê, tâm huyết, những người biên soạn đã hệ thống được những bài viết, những trang tư liệu cung cấp cho các trường tham khảo, sử dụng vào chương trình giảng dạy văn hóa, lịch sử, địa lý địa phương, qua đó giúp cho các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh thêm tự hào về quê hương, đất nước.
Phần thứ II sơ lược về giáo dục Việt Nam và giáo dục Ninh Bình, giáo dục Gia Khánh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giới thiệu với bạn đọc những nét sơ lược về nền giáo dục nước nhà, trong đó có giáo dục Gia Khánh dưới thời phong kiến thực dân. Tuy phải sống trong đêm dài nô lệ, đói cơm rách áo, nhưng tinh thần hiếu học của các bậc ông cha bao giờ cũng ngời sáng, đời nào cũng có người đỗ đạt, thành danh. Từ thực tế của nền giáo dục dưới thời đế quốc thực dân để bạn đọc có cơ sở so sánh, thấy rõ hơn tính ưu việt, sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ của nền giáo dục cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước công nông.
Phần thứ III là phần có vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ cuốn sách. Phần này được bố cục khá hợp lý, có sức thuyết phục cao, đó là giai đoạn 1945-1954, thời kỳ 9 năm chống Pháp, giai đoạn 1955-1965, thời kỳ 10 năm miền Bắc đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai đoạn 1965-1975, thời kỳ cả nước tập trung đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Giai đoạn 1975-1992, thời kỳ sáp nhập tỉnh Hà Nam Ninh và giai đoạn từ 1992 đến nay. Các tác giả xác định đây là phần trọng tâm nên đã tập trung trình bày khá kỹ với những nhân chứng và sự kiện tiêu biểu.
Phần thứ IV tuy không phải là phần chính bởi nó là những bài viết, bài báo về giáo dục Hoa Lư qua các thời kỳ, nhưng lại có giá trị minh họa sinh động, giàu sức thuyết phục về những thành tựu của ngành giáo dục Hoa Lư.
Phần thứ V được viết dưới hình thức kỷ yếu, bố trí một cách lô gíc, chặt chẽ, phản ánh một cách trung thực khách quan, không chỉ những người trong cuộc mà cả những người ở ngoài ngành cũng hình dung một cách đầy đủ sự hình thành và phát triển của nền giáo dục Gia Khánh- Hoa Lư.
Trao đổi với ban biên soạn được biết: Để cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng thời gian, bảo đảm trung thực, khách quan, có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, suốt chặng hành trình từ năm 2006 đến hết năm 2011, ban biên soạn đã giành công sức, thời gian đi sưu tập, thẩm định, tổng hợp, xử lý tư liệu. Và dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn không tránh được thiếu sót, do đó ban biên soạn mong các thế hệ thày cô trong ngành cảm thông và lượng thứ.
Lê Liêu