Kết quả của sự nỗ lực Chia sẻ từ Doha (Quata) đồng chí Trần Hữu Bình, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng đoàn công tác của tỉnh cho biết: Mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức do các Cơ quan tư vấn UNESCO khuyến nghị hồ sơ Tràng An ở mức D (Deferal), tức là hoãn xem xét hồ sơ trong 2 năm, nhưng dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ Việt Nam tại Qatar, Đoàn công tác đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Cục Di sản Văn hóa…, nỗ lực chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung giải trình, phản biện về mặt khoa học, kết hợp với tổ chức tiếp xúc gặp gỡ từng nước thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, các chuyên gia, các cơ quan tư vấn UNESCO để chứng minh Quần thể danh thắng Tràng An đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của UNESCO trở thành di sản thế giới và thuyết phục họ ủng hộ cho hồ sơ.
Dù được ví như "Hạ Long trên cạn" với gần 100 hang động tuyệt đẹp, con đường được công nhận của danh thắng này khá chông gai. Cuối năm 2011, Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình mới chính thức được Chính phủ phê duyệt để xây dựng hồ sơ đăng ký với UNESCO và được chấp thuận. Ban đầu khi xây dựng hồ sơ Ninh Bình khá lúng túng, chưa tự tin lắm khi lập hồ sơ đề nghị công nhận Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới. Bởi nếu chỉ xét trên tiêu chí về thiên nhiên, địa chất địa mạo, Tràng An rất dễ bị so sánh là giống Vịnh Hạ Long - khó có cửa được công nhận.
Tháng 3/2012, chuyên gia người New Zealand, Paul Dingwall đến Ninh Bình làm cố vấn. Cùng một số chuyên gia trong và ngoài nước, ông cũng tư vấn: ngoài tiêu chí 7 về cảnh quan thiên nhiên, và tiêu chí 8 về địa chất địa mạo, địa phương có thể quan tâm đến tiêu chí 5 về văn hóa. Giải pháp nhấn vào yếu tố văn hóa qua khảo cổ học- hướng đi mới và cũng là thách thức mới cho Tràng An vì phải tìm ra mối liên kết giữa hai yếu tố tưởng chừng không liên quan. Trước đó, từ chục năm nay, Trường Đại học Cambridge (Anh) tích cực phối hợp với địa phương trong quá trình khai quật, khảo sát và đã có những kết quả khảo cổ quan trọng minh chứng cho một nền văn minh của người Việt cổ ở Tràng An.
Trong niềm vui và sự tự hào, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - bà Đặng Thị Bích Liên - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu với báo chí: "Vào thời điểm đáng ghi nhớ này, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi bày tỏ lòng cám ơn chân thành tới các Quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định ghi Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh mục Di sản Thế giới. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung tâm Di sản Thế giới, IUCN và ICOMOS trong việc hỗ trợ nhận diện và hoàn thiện hồ sơ Tràng An, đồng thời cám ơn cộng đồng dân cư tại Tràng An và tỉnh Ninh Bình đã tham gia gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Việc ghi danh của Ủy ban Di sản Thế giới đối với Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam là vinh dự to lớn, đồng thời cũng trao cho chúng tôi trọng trách bảo vệ, quảng bá những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và chuyển giao nguyên vẹn cho các thế hệ tương lai. Nhân dịp này, một lần nữa chúng tôi xin cam kết thực hiện nghiêm túc Công ước Di sản Thế giới trong việc bảo vệ các Di sản Thế giới ở Việt Nam".
Để có được kết quả này, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và các cơ quan liên quan, cùng các nhà khoa học trong nước, quốc tế đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị di sản, trên cơ sở đó hoàn thiện bộ hồ sơ đề cử Quần thể danh thắng Tràng An có chất lượng khoa học cao.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm bảo vệ di sản trước những tác động của thiên nhiên và con người, giữ nguyên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Đồng chí Trần Hữu Bình cũng xúc động nói: Tràng An xứng đáng là di sản thế giới, nhưng nếu không có sự nỗ lực của các thành viên phía Việt Nam giải trình bằng các luận cứ khoa học, không có sự ủng hộ của bạn bè thế giới đặc biệt là 20 quốc gia có quyền bỏ phiếu đồng loạt dựng biển xin phát biểu, tất cả đều cho rằng Tràng An là di sản vô cùng quý của thế giới cần được vinh danh ngay thì hôm nay Tràng An vẫn chỉ là di sản Quốc gia đặc biệt.
Di sản kép đầu tiên của Việt Nam
Có thể nhận thấy tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An thông qua việc Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xếp hạng hàng loạt các di tích thuộc khu di sản ở tất cả các cấp độ khác nhau, bao gồm 18 di tích cấp tỉnh, 21 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề nhau là: Di tích Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Từ Doha (Qatar), đồng chí Trần Hữu Bình cho biết giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An được công nhận dựa trên 3 trụ cột chính quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong đó, Tràng An đạt được các tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ, địa chất - địa mạo.
Kết quả hầu hết các nước thành viên Ủy ban UNESCO ủng hộ ghi danh Tràng An vào danh sách di sản thế giới theo các tiêu chí hỗn hợp văn hóa và tự nhiên. Về văn hóa (theo tiêu chí 5): Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và có ý nghĩa trên phạm vi thế giới cho thấy cách mà người tiền sử tác động qua lại với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với biến đổi to lớn về môi trường trải dài ít nhất 30.000 năm.
Lịch sử văn hóa lâu dài gắn bó chặt chẽ với quá trình tiến hóa địa chất của sơn khối núi đá vôi Tràng An vào giai đoạn cuối Pleitocene và Holocene. Tràng An - di sản địa văn hóa lâu dài và duy nhất về con người và ứng xử của con người đối với những thách thức, biến đổi và cơ hội qua hàng chục nghìn năm, đang mang lại các cách tiếp cận tiên phong trong việc tìm hiểu quá trình cư trú của con người và các chiến lược mới mà từ đó có thể áp dụng cho các mô hình kinh tế hiện đại, với mục đích tăng cường khả năng thích ứng trước những biến đổi môi trường sắp xảy ra trong thế giới ngày nay.
Về thẩm mỹ (Tiêu chí 7): Tràng An là một trong những nơi có cảnh quan tháp karst đẹp và quyến rũ nhất trên thế giới. Phủ lên cảnh quan là thảm rừng và các tháp dạng nón hùng vĩ cao 200m, với các hố trũng hẹp khép kín, bao quanh bởi các sống núi nối liền nhau, các đầm lầy thông nhau qua hệ thống suối chảy lững lờ quanh co qua các lối ngầm có chiều dài lên tới 1km. Vẻ hài hòa của đá, sông nước, rừng cây và bầu trời ở Tràng An tạo nên một thế giới tự nhiên sống động đầy quyến rũ và thú vị không nơi nào sánh kịp. Những ngọn núi hùng vĩ, hang động bí ẩn và những nơi linh thiêng của Tràng An là nguồn cảm hứng cho con người qua biết bao các thế hệ. Đó là nơi rất đặc biệt, nơi văn hóa tiếp xúc với kỳ quan, bí ẩn và vẻ hùng vĩ của thế giới tự nhiên, và văn hóa cũng bị biến đổi bởi chính những điều đó.
Về địa chất, địa mạo (Tiêu chí 8): Tràng An là nơi có là cảnh quan đẹp nhất thế giới trong các giai đoạn cuối cùng của tiến hóa karst ở môi trường nhiệt đới ẩm 'một mô hình mẫu của loại hình này và nổi bật ở quy mô toàn cầu'. Có ý nghĩa lớn về khoa học là trong một cảnh quan, có mặt các dạng chuyển tiếp giữa núi đá vôi hình nón (karst fencong) nối với nhau qua các đỉnh sắc cạnh và núi đá vôi dạng tháp cổ điển (karst fengling) đứng rời rạc trên các đồng bằng bồi tích, mỗi dạng địa hình đại diện cho các giai đoạn khác nhau trong quá trình tiến hóa địa mạo đang diễn ra trong chu trình xâm thực karst. Một loạt ngấn xâm thực tìm thấy trên vách đá, có liên quan đến các hang động, sàn ngấn sóng, trầm tích bãi biển và vỏ nhuyễn thể biển, hé lộ bằng chứng của các đợt biển tiến trước đây. Cùng với việc dịch chuyển nâng lên của khối núi, những đặc điểm này có thể quan sát ở độ cao khoảng 50m trên mực nước biển hiện tại. Có ít cảnh quan trên thế giới và không có khu vực karst nào tương ứng có thể cho những bằng chứng dao động mực nước biển diễn ra qua một giai đoạn địa chất dài và rõ ràng như ở Tràng An.
Nguyễn Thơm