Muốn làm được điều này ngoài việc nâng cao chất lượng chương trình, việc nâng cao chất lượng kỹ thuật, chất lượng truyền dẫn mở rộng mạng xã hội truyền hình sẽ là một xu thế tất yếu của truyền hình tương lai. Truyền hình và internet, truyền hình tương tác, làm sao để đa dạng các tác phẩm báo chí phục vụ nhu cầu của khán giả, hướng tới người xem chương trình truyền hình mọi lúc, mọi nơi, nhằm tăng tính tương tác hai chiều giữa khán giả với các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình. Trong những năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình đã không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, đảm bảo nội dung tuyên truyền đúng định hướng chính trị, nhanh nhạy, chính xác, kịp thời các sự kiện chính trị và chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lớn, Đài đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, khơi dậy và nâng cao nhận thức cho người dân; biểu dương các điển hình tiên tiến, tấm gương giỏi trong lao động và thi đua, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thông tin của nhân dân. Hiện nay, truyền hình Ninh Bình đã sản xuất và phát sóng 7 bản tin/ngày, tổng thời lượng đạt 18,5 giờ/ngày, đã phát sóng trên vệ tinh VINASART 1 và hòa mạng cáp quốc gia. Các chương trình truyền hình được mở rộng phong phú với hơn 30 chuyên mục, chuyên đề, tạp chí. Bên cạnh đó, từ tháng 6-2014, Trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài tại địa chỉ nbtv.vn đã ra đời, là kênh truyền thông đa phương tiện của Đài tích hợp của 3 loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh và báo điện tử), đã góp phần đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả truyền tải thông tin tới khán, thính giả, độc giả.
Có thể khẳng định, các chương trình của Đài đã thể hiện tốt các chức năng cơ bản của báo chí, đó là chức năng thông tin, chức năng giáo dục, chức năng khai sáng và giải trí, chức năng giám sát và phản biện xã hội. Như vậy, việc làm tốt các chức năng của báo chí là rất quan trọng, nhưng có lẽ chưa đủ bởi một trong những nhiệm vụ và chức năng của báo chí là không chỉ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà báo chí còn là diễn đàn của nhân dân. Vấn đề đặt ra là làm sao để các thông tin của Đài mở rộng cả thông tin và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để người dân được nói tiếng nói từ cơ sở, từ thực tiễn cuộc sống đa sắc màu, được tham gia, trao đổi, tương tác cùng chương trình, làm sao để mỗi chương trình truyền hình thực sự là diễn đàn của nhân dân. Hiện nay, ngoài các chương trình chính luận, những năm qua Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình đã mở rộng đa dạng hóa các chương trình, nhiều chương trình mới, format mới đã được sản xuất và phát sóng được nhân dân đón nhận như: chương trình "Đất và người Hoa Lư", "Vòng tay nhân ái", các chương trình truyền hình thực tế đã gắn với người dân hơn. Tuy nhiên, làm sao để có các chương trình truyền hình có tính tương tác cao đang là vấn đề được lãnh đạo Đài quan tâm và xác định là hướng đi mới tất yếu của truyền hình và internet của mạng xã hội truyền hình. Muốn làm được điều này trước hết vẫn là nội dung chương trình, cần xây dựng những format mới có tính tương tác cao, làm sao để mọi người cùng tham gia vào chương trình. Hiện nay, nhiều chương trình được khán giả quan tâm đến, thậm chí khán giả có thể tham gia vào các chương trình đã được sản xuất và phát sóng, làm thay đổi, phong phú, hấp dẫn thêm cho chương trình hơn. Ngoài ra, khán giả có thể trực tiếp bàn luận, chia sẻ nội dung hay cùng bàn luận, trao đổi một chương trình đang xem với khán giả hay các chuyên gia hoặc bạn bè của họ. Như vậy, cách làm truyền hình truyền thống cần được thay đổi, nhường chỗ cho truyền hình có tính tương tác - mạng xã hội truyền hình đa chiều. Nó bao gồm một sản phẩm thông tin chính và các thông tin bổ trợ. Khán giả không chỉ là đối tượng tiếp nhận thông tin, hưởng thụ thông tin một chiều mà trở thành một khâu quan trọng trong quá trình truyền thông. Họ được tương tác, phản hồi và đóng góp vào nội dung tuyên truyền, đồng thời đòi hỏi các chương trình truyền hình có chất lượng ngày một cao hơn và đa dạng hơn.
Một vấn đề quan trọng để các chương trình truyền hình có tính tương tác một cách sâu rộng thì yếu tố con người và yếu tố kỹ thuật là hết sức quan trọng. Công tác đầu tư, khai thác hạ tầng kỹ thuật, mở rộng diện phủ sóng phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và của tỉnh, với tiêu chuẩn và công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Hiện nay, sự thay đổi và tiến bộ vượt bậc của việc ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ góp phần đắc lực cho cách làm truyền hình mới - truyền hình tương tác. Cùng với việc đổi mới chương trình truyền hình có thể khẳng định truyền hình tương tác sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Hiện nay trên thế giới và Đài Truyền hình Việt Nam đã làm và đã có nhiều chương trình mang lại hiệu quả thực sự, thu hút khán giả trực tiếp tham gia như các chương trình của: VTV3, VTV6… Như vậy, nếu chúng ta chậm đổi mới, chúng ta chỉ làm truyền hình theo truyền thống, chỉ thông tin một chiều, chúng ta không nắm bắt thời cơ và xu thế của thời đại, chúng ta sẽ không giữ được vị trí và hiệu quả mang lại của truyền hình trong tương lai, đó là truyền hình và internet, truyền hình tương tác - mạng xã hội truyền hình là một xu thế tất yếu.
Nhà báo Trần Bình
Phó Giám đốc Đài PT&TH Ninh Bình