Hàng năm, mỗi khi lũ, xã Trường Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ sông Hoàng Long lên rất nhanh, cường suất lũ lớn, thời gian duy trì nước cao và thường kéo dài nên trực tiếp uy hiếp tuyến đê Trường Yên. Xã có tuyến sông Sào Khê tiêu nước toàn bộ nước mưa ở các vùng núi đá nội địa và lũ hang Tối đổ ra, gây ra úng cục bộ nhiều địa bàn.
Toàn xã Trường Yên hiện có 7 cống tiêu nước qua tuyến đê bao. Nhưng khi nước sông dâng cao, trạm Xuân Sơn, trạm Minh Hoa vận hành bơm nước ra sông Sào Khê, có thể đường bờ bao từ cống Trường Yên đến cầu Đông sẽ bị tràn.
Đặc biệt, sông Sào Khê đang thi công đường du lịch và nạo vét sông, nên khi mưa úng tiêu nước rất chậm, gây úng cục bộ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.
Cùng với đó, tuyến ngòi tiêu đoạn từ cầu Chiêm Bối đến gốc đa Xuân Sơn do nhiều năm chưa được nạo vét và khơi thông dòng chảy, cây sen, cây súng nhiều, vì vậy ảnh hưởng đến đến việc tiêu thoát nước.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN, PCCR xã cho biết: Với điều kiện tự nhiên kể trên, nên trước mùa mưa bão, cũng như các đợt nắng nóng, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy rừng (PCTT,TKCN và PCCR) luôn được chính quyền, nhân dân nơi đây chú trọng, và được xem là nhiệm vụ quan trọng trong năm.
Ngay từ đầu mùa mưa bão, xã tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai năm trước, củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT, TKCN xã, các tiểu ban ở các HTX, đồng thời tập trung kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các công trình phòng chống thiên tai, công trình thủy lợi, xác định công trình trọng điểm PCTT. Qua đó, Ban chỉ huy xây dựng, hoàn thiện phương án PCTT từ xã đến thôn và các hộ gia đình có nguy cơ về bão, lụt, sạt, lở đất đá đảm bảo cụ thể, sát thực tế, phù hợp với nguồn lực của cộng đồng dân cư.
Đối với Trường Yên, khi bão, lũ có khả năng ảnh hưởng, xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, động viên hướng dẫn nhân dân vùng có nguy cơ ngập lụt lấy chuẩn mực nước theo lũ gần nhất (năm 2017) để làm căn cứ xử lý. Cụ thể, sẽ có 80 hộ dân dọc đường Quốc lộ 38B từ Nghẽn lên cầu Đen (thôn Chi Phong) phải chuẩn bị phương tiện như thuyền, bè mảng, lực lượng xung kích sẵn sàng di chuyển khi cần thiết. Đặc biệt, Ban chỉ huy PCTT và TKCN đôn đốc chỉ đạo cán bộ và nhân dân thôn Đông làm tốt công tác cảnh báo, ngăn chặn việc người dân ra, vào vùng nguy hiểm ven núi Vườn Già - nơi đã có hiện tượng lở đá (tháng 10/2020).
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt công tác PCTT, luôn chủ động trước mùa mưa bão, Ban chỉ huy PCTT, TKCN xã kiểm tra thực tế, bổ sung các phương án PCTT, TKCN của địa bàn, cụ thể hóa phương châm "4 tại chỗ". Các HTX và thôn rà soát, kiện toàn lực lượng xung kích, thiết lập quy chế hoạt động chặt chẽ, có tinh thần hăng hái. Tùy theo tính chất địa bàn, lực lượng này có từ 20 đến 30 người sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, di chuyển tài sản của nhân dân khi cần thiết.
Ban chỉ huy PCTT, TKCN xã đôn đốc rà soát, mua sắm các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các tiểu ban, các thôn xóm để kịp thời cứu hộ, cứu nạn tại chỗ khi có tình huống xấu xảy ra. Thường xuyên duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn với sự tham gia của các lực lượng tình nguyện, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ trong công tác phòng tránh, đối phó với thiên tai.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh