Tuy là "cậu út" trong gia đình có 5 chị em, nhưng ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Điệp đã được hưởng nền giáo dục nề nếp khi bố là cựu chiến binh, mẹ là cô giáo mầm non. Từ những năm học phổ thông đến khi trưởng thành, Nguyễn Văn Điệp có ý chí, nghị lực, tính tự quyết cao.
Ông Nguyễn Văn Cát, bố Trung úy Nguyễn Văn Điệp cho biết: Khi Điệp chọn con đường theo binh nghiệp, tôi rất ủng hộ lựa chọn của con, bởi được công tác, cống hiến trong môi trường quân ngũ, vừa thực hiện được nghĩa vụ quân sự với nhà nước, bản thân con lại được rèn luyện để trưởng thành hơn. Dẫu biết con công tác ngoài đảo sẽ khó khăn hơn trong đất liền nhưng là chiến sỹ thì ở đâu Tổ quốc cần mà con mình đã lựa chọn, sẵn lòng để cống hiến trí lực thì đó là niềm hãnh diện của gia đình.
Như mối nhân duyên với hải quân, sau 4 năm học chuyên ngành Hóa học tại Trường Sỹ quan Phòng hóa, năm 2011, sỹ quan trẻ Nguyễn Văn Điệp đã xung phong nhận công tác tại Vùng 4 Hải quân. Sau 1 năm huấn luyện tại vùng 4, Trung úy Nguyễn Văn Điệp đã viết đơn tình nguyện xung phong ra đảo công tác. Tháng 12-2013, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã quyết định điều động Trung úy Nguyễn Văn Điệp ra công tác tại đảo Sơn Ca.
Trung úy Nguyễn Văn Điệp chia sẻ: Ra công tác tại đảo gần 1 năm nhưng bản thân tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tuy điều kiện ngoài đảo khó khăn hơn đất liền nhưng chính môi trường ấy là điều kiện để rèn giũa những chiến sỹ trẻ. Cán bộ, chiến sỹ tự học cách tiết kiệm nước, rau xanh, chia sẻ thực phẩm trong sinh hoạt, cùng chung sức trong công việc chung tại đảo. Tất cả mọi người đều tôn trọng, quý mến nhau như người thân trong đại gia đình, chung một quyết tâm vững tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Động lực lớn làm cho Trung úy Nguyễn Văn Điệp gắn bó với đảo đó là không những thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc mà anh đã xây dựng được tình cảm thân thiện, thường xuyên giữa bộ đội với ngư dân như người thân trong gia đình. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo còn giúp đỡ, tạo điều kiện và hỗ trợ ngư dân về tiền, dầu máy, nước ngọt, rau xanh, nơi trú bão, khi có tình huống cần giúp đỡ ngoài đảo, cũng như tuyên truyền các chính sách của Đảng, nhà nước đối với ngư dân để họ yên tâm bám biển, phát triển kinh tế.
Trung úy Nguyễn Văn Điệp mong muốn sẽ tiếp tục được công tác tại đảo để đem sức lực, trí tuệ của tuổi trẻ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Hồng Vân