Chăm sóc con trai bị bệnh thủy đậu đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa thành phố Tam Điệp mấy ngày nắng nóng, chị Đinh Thị Huyền, thôn Yên Lâm, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) không khỏi mệt mỏi và thương con. Những mụn nước do bệnh thủy đậu mọc kín người khiến cháu bé ngứa ngáy, khó chịu, không muốn ăn uống, vui chơi. Chị Huyền cho biết, mấy ngày trước, thấy con nóng sốt và lên mụn nước đỏ khắp người, chị vội cho con vào bệnh viện khám. Khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu, chị được khuyên nhập viện điều trị và cách ly với các thành viên trong lớp học mầm non, tại gia đình. Sau 5 ngày điều trị, kết hợp uống và bôi thuốc, các mụn thủy đậu đã se khô, không mọc mụn mới, bác sĩ cho biết, vài ngày sau khi mụn bay hết, bệnh nhân sẽ được ra viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kháu, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa thành phố Tam Điệp cho biết, nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao thường ảnh hưởng trực tiếp đến người già và trẻ em. Trong đó, ở trẻ nhỏ thường dễ mắc các bệnh lây nhiễm như: Tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy, sốt xuất huyết… Còn ở người lớn tuổi, đặc biệt là người già thường hay gặp phải bệnh phổi, tim mạch, huyết áp, đột quỵ não… Hiện trên địa bàn thành phố Tam Điệp chưa có dịch bệnh nào xảy ra, nhưng mỗi ngày tại khoa Truyền nhiễm cũng có vài bệnh nhân nhập viện với các bệnh cúm, thủy đậu, tiêu chảy… Khi vào viện, cùng với tích cực điều trị cho bệnh nhân nhanh khỏi, các y, bác sĩ cũng tư vấn, tuyên truyền cho người bệnh và người nhà của họ cách phòng, chống dịch bệnh khi về nhà và tại cộng đồng bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế thấp nhất mắc các bệnh truyền nhiễm và lây lan thành dịch.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Thuật, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp, nắng nóng là một trong những nhân tố trực tiếp gây ra các bệnh như: Rối loạn thân nhiệt, mất nước, sốt co giật, huyết áp, sốt xuất huyết, viêm màng não, tay chân miệng… Các đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai…. Để phòng, chống dịch bệnh mùa hè, Bệnh viện chỉ đạo các khoa, phòng tổ chức họp hội đồng người bệnh để tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch. Đồng thời thực hiện khám, sàng lọc bệnh từ ngay phòng khám, nếu có nghi ngờ, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện duy trì đội cấp cứu, chống dịch, đồng thời đảm bảo đủ cơ số thuốc điều trị tại chỗ và dự phòng, bố trí đủ trang thiết bị và giường bệnh để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Tại các khu dân cư, cán bộ các trạm y tế, mạng lưới y tế tổ dân phố tăng cường nắm bắt tình hình, chú ý và cẩn trọng với những nơi trước đây đã từng có ổ dịch, nhất là dịch sốt xuất huyết thường xảy ra ở thời điểm nắng nóng kèm mưa giông như hiện nay. Chú trọng công tác giám sát từ các phòng khám bệnh, khoa truyền nhiễm, phòng khám đa khoa khu vực đến trạm y tế xã, phường và cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh dịch đầu tiên, kịp thời thu dung điều trị bệnh nhân, đồng thời tiến hành các biện pháp xử lý dịch không để lây lan ra diện rộng… Cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền để người dân được cung cấp đầy đủ các kiến thức để phòng tránh, phát hiện các loại dịch bệnh, các biện pháp dự phòng cũng như có phương án xử lý kịp thời nếu bị bệnh. Tích cực vận động nhân dân trong xã, phường, thôn, xóm hàng tuần tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà… giữ gìn môi trường sống trong lành, sạch bệnh.
Hiện nay, tại Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp, số người đến khám và nhập viện vẫn ở mức bình thường, chưa có gì đột biến. Trong 4 tháng đầu năm 2018, không có dịch bệnh nào xảy ra trên địa bàn, chỉ có một số bệnh truyền nhiễm mắc rải rác như: Cúm có 98 ca; thủy đậu có 29 ca; tiêu chảy có 64 ca; viêm gan B có 23 ca và một vài ca nghi sởi… Tuy nhiên, Trung tâm khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với thời tiết nắng nóng như hiện nay, bởi nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh phát sinh là khá cao. Người dân cần chủ động nắm bắt các loại bệnh dịch dễ phát sinh trong mùa nắng nóng, chú ý giữ gìn sức khỏe cho người già và trẻ em. Đồng thời lực lượng y tế tuyến cơ sở tích cực giám sát dịch bệnh thường xuyên, tập trung vào một số bệnh như: Sốt xuất huyết, Cúm A(H5N1); Cúm A(H7N9); liên cầu lợn, bệnh dại, thủy đậu, tay chân miệng... Các trạm y tế tiến hành giám sát dịch chủ động, tại những địa bàn có nguy cơ cao, tập trung đông người như những nơi có ca mắc cũ, khu chợ, trường học... Khi có trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, tiến hành điều tra, giám sát, thu thập thông tin và kết hợp truyền thông phòng, chống bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh, báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý kịp thời, tránh lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Hạnh Chi