Chăm sóc con gái 9 tháng tuổi bị sốt, đang điều trị tại Khoa Cấp cứu - nhi tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, chị Đinh Thị Hiền ở xã Gia Minh không khỏi mệt mỏi và thương con. Chị Hiền cho biết: 2 ngày trước bé có biểu hiện lười ăn, đi ngoài nhiều lần. Đến trưa ngày 3/7, bé bỏ ăn, sốt cao, co giật, người sẩn ngứa, quấy khóc nên gia đình đưa bé nhập viện. Hiện bé được các bác sĩ làm các xét nghiệm chẩn đoán để đưa ra phác đồ điều trị.
Tại Khoa Cấp cứu - nhi của Trung tâm y tế Gia Viễn mỗi ngày điều trị nội trú trung bình 20-25 bệnh nhi, có những ngày tăng khoảng 30 bệnh nhân. Các bệnh nhân nhi nhập viện do các bệnh như sốt cao chưa rõ nguyên nhân, bệnh về đường tiêu hóa, viêm não, hội chứng lỵ, tay chân miệng, thủy đậu.
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Nắm bắt văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, của Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng 16 văn bản chỉ đạo công tác dự phòng ngay từ đầu mùa hè, mùa mưa bão tới các Trạm Y tế các xã, thị trấn. Đặc biệt, xác định những ngày thời tiết nắng nóng, ngột ngạt có thể khiến bệnh nhân khám và nhập viện gia tăng. Vì vậy, các phương án tiếp đón, thăm khám, điều trị tại từng khoa đã được Ban giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn bố trí, phân công trực cụ thể, nhất là đối với Khoa Cấp cứu - nhi và Khoa Truyền nhiễm. Trong quá trình khám chữa bệnh, tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch. Thực hiện khám, sàng lọc bệnh từ ngay phòng khám, nếu có nghi ngờ, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện. Trung tâm cũng đã triển khai dự án nâng cấp trạm biến áp Bệnh viện từ 100 KVA lên 320KVA để nguồn điện ổn định và lắp đặt thêm 30 điều hòa tại các buồng bệnh, đảm bảo 100% bệnh nhân được nằm điều trị trong phòng có điều hòa.
Tại các khu dân cư, cán bộ các trạm y tế, mạng lưới y tế tại các thôn, xóm tăng cường công tác tuyên truyền để người dân được cung cấp đầy đủ các kiến thức để phòng tránh, phát hiện các loại dịch bệnh, các biện pháp dự phòng và có phương án xử lý kịp thời nếu bị bệnh. Theo đó, tích cực vận động nhân dân các xã, thị trấn hàng tuần tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm. Thường xuyên cập nhật hệ thống dịch bệnh như ngộ độc, sởi, sốt phát ban, phản ứng sau tiêm chủng từ cơ sở kết nối với các khoa điều trị liên quan để tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp chữa trị. Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi nhằm giảm tỷ lệ trẻ mắc các bệnh ho gà, bạch hầu, sởi. Chuẩn bị thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Đặc biệt, huyện Gia Viễn là nơi có các điểm du lịch như Gia Sinh, Gia Vân, Gia Thanh, Gia Hưng, Gia Lạc và Khu công nghiệp Gián Khẩu có số lượng công nhân đông, nên Trung tâm chú trọng công tác phòng dịch tại các khu công nghiệp, khu du lịch, điểm du lịch vì thời gian hè là thời gian gia tăng các hoạt động đi lại, du lịch của nhân dân nên khả năng làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm. Chú ý đến công tác báo cáo dịch kịp thời và vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm tại 246 cơ sở dịch vụ ăn uống và các điểm kinh doanh thức ăn đường phố, tại các chợ trên địa bàn huyện. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện Gia Viễn không có dịch bệnh nào xảy ra, chỉ rải rác xuất hiện bệnh nhân mắc thủy đậu, sốt phát ban dạng sởi, quai bị, tiêu chảy với 11 ca quai bị và 8 ca thủy đậu.
Bác sỹ Quách Thị Phương, Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn khuyến cáo: Thời tiết được dự báo trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa, nắng đan xen nên mỗi người cần quan tâm bảo vệ sức khỏe bản thân, chăm lo sức khỏe cho những người trong gia đình, chú ý nhiệt độ ở phòng điều hòa khoảng 26oC để giảm độ chênh lệch trong phòng với nhiệt độ ngoài trời, tránh sốc nhiệt. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: Hồng Vân