Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động thực hiện đồng bộ công tác dự phòng bệnh tật và dự phòng dịch bệnh, chú ý những bệnh dịch mới, nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; tăng cường hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho người dân; chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân.
Trong công tác phòng, chống dịch, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, chủ động củng cố mạng lưới, kiểm tra, giám sát các dịch bệnh để chủ động trong công tác phòng bệnh, phát hiện dịch sớm, chống dịch kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. 9 tháng đầu năm 2018, các bệnh như: Tả, thương hàn và phó thương hàn, viêm não virus, bạch hầu, uốn ván sơ sinh, rubella, cúm A (H5N1), dịch hạch, bệnh than, Leptospira… là các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm mạnh hoặc tương đương so với cùng kỳ 2017. Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết giảm đáng kể về số người mắc và ổ dịch. Tính đến hết ngày 30/9/2018, toàn tỉnh ghi nhận 17 trường hợp mắc sốt xuất huyết (có 1 ca nội tỉnh), không ghi nhận trường hợp tử vong.
Công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện theo đúng kế hoạch, ngày càng mở rộng tại các huyện, thành phố, đảm bảo an toàn, đạt được các chỉ tiêu đề ra, không có tai biến tử vong do tiêm vắc xin. Từ 6 loại vắc xin ban đầu, hiện nay, đã có hàng chục loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em được đưa vào chương trình TCMR. Đặc biệt, từ tháng 8/2018, thực hiện kế hoạch của Bộ Y tế, Sở Y tế đã đưa một số loại vắc xin mới vào thay thế một số loại cũ trong chương trình TCMR, đó là vắc xin 5 trong 1; vắc xin Sởi- Rubella do Việt Nam sản xuất và vắc xin bại liệt tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi. Các loại vắc xin mới được Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tiêm chủng trên phạm vi toàn tỉnh. Tính đến hết quý III/2018, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt gần 90%; số phụ nữ có thai được tiêm AT2+ đạt trên 90%; tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh đạt trên 70%...
Cùng với đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã và đang xây dựng mạng lưới giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng từ tỉnh đến cơ sở, duy trì và đáp ứng các hoạt động khám sàng lọc, tư vấn tiền đái tháo đường. Những tháng đầu năm 2018 đã khám cho gần 2 nghìn đối tượng tiền đái tháo đường tại hàng chục xã ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh; sàng lọc gần 1 nghìn đối tượng có nguy cơ, phát hiện gần 200 người đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Đồng thời triển khai mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã trên địa bàn huyện Hoa Lư và thành phố Tam Điệp. Tiến hành giám sát chất lượng muối hộ gia đình đợt 1 tại 32 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, độ bao phủ muối đạt gần 75%, số mẫu muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt 9,4%.
Các chương trình khác như: Y tế - dân số; phòng chống bệnh sốt rét, giun sán; công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em; công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường… được triển khai sâu rộng, hiệu quả, nhất là ở những xã trọng điểm, vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn trong tỉnh. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin, tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động đối phó khi có dịch bệnh xảy ra; tuyên truyền trách nhiệm, ý thức của người dân trong thực hiện ăn sạch, ở sạch, đảm bảo nguồn thực phẩm để không lây bệnh truyền nhiễm.
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn. Năm 2017, mạng lưới y tế tuyến huyện được kiện toàn với 5/8 huyện thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa huyện thành Trung tâm Y tế huyện. Mạng lưới y tế xã tiếp tục được củng cố với 12 trạm y tế xã thuộc 8 huyện, thành phố được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, đủ điều kiện công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020, nâng tổng số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế của tỉnh lên 119 xã, chiếm 82,1% tổng số xã trong toàn tỉnh, tạo thuận lợi cho công tác y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh ngay từ cơ sở, hạn chế thấp nhất các loại dịch bệnh và bệnh truyền nhiễm thành dịch có thể xảy ra.
Với những cố gắng của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, một số ổ dịch nhỏ được khống chế kịp thời không để lây lan ra diện rộng; nhiều loại bệnh được thanh toán, đẩy lùi như bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi, giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi còn dưới 1%... Thời gian tới, để xây dựng chiến lược phòng bệnh lâu dài, từng bước nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ của người dân, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tập trung triển khai các giải pháp khống chế không để dịch lớn xảy ra, ngăn chặn các dịch bệnh mới nổi xuất hiện trên địa bàn, nếu có xuất hiện phải khoanh vùng sớm, xử lý nhanh, không để lan rộng. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống các loại dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh