Bà Lê Thị Thu Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm TTGDSK tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá được ngành Y tế và Trung tâm triển khai trong nhiều năm qua và đã đạt được những kết quả tích cực. Đối tượng tập trung chủ yếu vào 2 nhóm là cán bộ, y bác sĩ trong ngành Y và giáo viên, học sinh ngành Giáo dục. Cùng với đó, ngành Y tế cũng phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, CNVC, lao động và nhiều tổ chức, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá
Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm TTGDSK đã tổ chức gần 50 buổi tập huấn cho các đối tượng, trong đó có 15 buổi tại các trường học, 10 buổi tại các cơ sở y tế, 10 buổi tại doanh nghiệp, còn lại là các khách sạn, nhà hàng, các hãng xe ta-xi… Cùng với đó, Trung tâm cũng in ấn hàng chục tấm panô, gần 20 nghìn tờ rơi, tài liệu truyền thông có nội dung tuyên truyền giáo dục về tác hại của thuốc lá, cấp phát, chuyển đến tận các thôn, xóm, phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời sản xuất, cấp phát hàng trăm băng đĩa phổ biến kiến thức và hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tới các đài truyền thanh ba cấp, các bệnh viện...
Tại các buổi truyền thông, người dân được cung cấp các kiến thức liên quan tới tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, những kiến thức về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, nhằm qua đó giúp mọi người có nhận thức đúng đắn, đầy đủ và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tới người thân, gia đình, cộng đồng. Ngoài ra, Trung tâm TTGDSK còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác PCTHTL, kỹ năng kiểm tra, giám sát cho cán bộ làm công tác thanh tra, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các sở, ban ngành, địa phương. Tổ chức nói chuyện chuyên đề "Tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc" tại các bệnh viện, cơ quan, trường học…
Qua kiểm tra, đánh giá, việc thực thi pháp luật về PCTHTL cho thấy, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người được nâng lên, tỷ lệ người hút thuốc lá trong cơ quan, đơn vị giảm; số đám cưới, đám tang, lễ hội tại các địa phương có mời thuốc lá cũng giảm dần. Trong đó, những ngành chú trọng và tích cực thực hiện công tác tuyên truyền PCTHTL như ngành Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải… đều đạt được những hiệu quả rõ rệt.
Đến nay, việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các cơ quan công sở và các cơ sở y tế, giáo dục đã được thực hiện khá tốt như: 100% cơ quan có treo biển cấm hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc, 80% cơ quan có quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc trong quy chế nội bộ, không có hiện tượng quảng cáo và bày bán thuốc lá trong phạm vi cơ quan, công sở, 100% các khách sạn đều có các quy định cấm hút thuốc lá trong khách sạn... Đặc biệt, đối với ngành Y tế, 100% cơ quan, đơn vị trong ngành có biển cấm hút thuốc được treo tại tất cả các khoa phòng; tỷ lệ cán bộ, y bác sỹ bỏ thuốc lá chiếm trên 90%; tỷ lệ người bệnh, người nhà bệnh nhân hút thuốc tại khuôn viên các bệnh viện giảm, đặc biệt tại các khoa khám bệnh, hồi sức, cấp cứu... của các bệnh viện tuyến tỉnh hầu như không còn. Tuy nhiên, hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức hút thuốc lá tại nơi làm việc. Một bộ phận người lao động, người dân đã nhận thức được tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng nhưng chưa quyết tâm từ bỏ hoặc giảm bớt tình trạng hút thuốc lá.
Trong thời gian tới, Trung tâm TTGDSK tỉnh xác định phải tác động từ suy nghĩ mới dẫn đến thay đổi nhận thức, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tác hại thuốc lá và các hoạt động tuyên truyền khác, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và cộng đồng trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Mỹ Hạnh