* Việc ra đời Trung tâm Tiến sĩ Việt Nam có ý nghĩa gì, thưa ông?
- Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật từ đầu thế kỷ XX đến nay, nhiều trí thức Việt Nam thời cận hiện đại đã có những đóng góp không nhỏ cho đất nước. Thế nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có được một nơi lưu giữ đầy đủ, có hệ thống, khoa học ngang tầm với những thành tựu và đóng góp của họ. Văn Miếu - Hà Nội chỉ lưu giữ những thông tin về các tiến sĩ từ thời trung đại. Trung tâm mong muốn lưu giữ không chỉ những bản luận án tiến sĩ mà cả bản thảo lần 1, lần 2, cả những bản thảo có bút tích của thầy hướng dẫn; không chỉ những bài đăng báo mà cả những bản nháp, những ghi chép trên sổ tay công tác điền dã... Thông qua đó, chúng tôi sẽ có thể phục dựng lịch sử cuộc đời từng nhà khoa học - một phần quan trọng để kể lại lịch sử đất nước và lịch sử của mỗi ngành khoa học. Kinh phí dự án không phải là tiền từ ngân sách nhà nước, mà là tiền túi của một số nhà khoa học tâm huyết với sự phát triển đất nước.
* Trong khi xã hội đang kêu gọi chống "bệnh thành tích" thì việc ra đời Trung tâm Tiến sĩ, vô hình trung liệu có cổ vũ cho phong trào học chỉ để lấy bằng cấp?
- Chính vì xã hội có những vấn đề đó nên chúng ta càng phải có những trung tâm nghiên cứu, đánh giá để vinh danh cho thật đúng. Nếu trong trung tâm càng có nhiều luận án tiến sĩ thì xã hội càng có thêm nhiều cơ hội để thẩm định, so sánh hay dở. Nếu hiện vật càng phong phú, càng công khai thì những nhà khoa học chân chính sẽ càng được tôn vinh, còn những người chạy bằng chạy cấp thì cũng như cái kim để trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra.
* Số lượng tiến sĩ ở Việt Nam đã lên tới con số hàng chục nghìn, trong khi từ nay đến hết năm 2020 còn tiếp tục "phổ cập" thêm 20.000 tiến sĩ nữa. Trung tâm sẽ cập nhật tài liệu, hiện vật như thế nào để không "bỏ sót" tiến sĩ? Việc sưu tầm hiện vật đã tiến hành đến đâu?
- Trung tâm mới thành lập được mấy tháng, đang chuẩn bị tổ chức sưu tầm. Tất nhiên, không phải một lúc mà làm ngay được... Điều quan trọng là tạo ra sự đồng thuận giữa các nhà khoa học với trung tâm. Chúng tôi mong muốn sự tự nguyện hợp tác của các nhà khoa học. Vì mục đích chân chính của khoa học là phục vụ cộng đồng chứ không phải hướng đến bằng cấp.
* Nếu các tiến sĩ không "đồng thuận" với trung tâm, tức là không cung cấp luận văn và các tư liệu liên quan đến họ vì tâm lý e ngại hoặc vì danh không xứng với thực nên không muốn bị "lật tẩy" thì sao?
Hạt nhân của dự án Trung tâm Tiến sĩ Việt Nam là Công viên Văn Miếu - nơi lưu giữ, trưng bày những di sản (vật thể và phi vật thể) của hàng chục ngàn tiến sĩ thuộc mọi chuyên ngành. Công viên Văn Miếu có diện tích hơn 20 ha, nằm trên địa bàn huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), mô phỏng Văn Miếu - Hà Nội. Tại đây, tên của tất cả các tiến sĩ đã được công nhận tại Việt Nam và thế giới sẽ được ghi trân trọng trên nền đá hoa cương. Ngày 27.9 tới, lễ khởi công dự án sẽ được tổ chức tại Hà Nội. |
- Không phải bây giờ mới có chuyện tiến sĩ bảo vệ luận án nhưng chỉ nộp quyển cho hội đồng chứ không dám nộp cho Thư viện Quốc gia - nơi mà cả xã hội có thể đọc được. 20 - 30 năm trước cũng đã có tình trạng này khi có một số phó tiến sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô và các nước Đông Âu giấu kỹ luận văn của mình. Nhưng chúng tôi hy vọng những gì chân chính sẽ chiến thắng.
* Vậy tính hiệu quả của dự án đến đâu khi các di sản văn hóa phi vật thể luôn trong tình trạng vô cùng "mong manh" vì có thể biến mất bất cứ lúc nào?
- Khi giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng qua đời, toàn bộ ý tưởng mà ông đóng góp cho ngành khoa học nông nghiệp không được ai ghi chép và truyền lại cho thế hệ sau. Giáo sư Tôn Thất Bách khi ra đi cũng không kịp để lại những kinh nghiệm phong phú đã được tích lũy để hậu thế có thể kế thừa. Chính vì tính mong manh đó nên bây giờ, khi các nhà khoa học vẫn còn đang cống hiến, chúng ta phải kịp thời ghi lại những ý tưởng, kinh nghiệm cuộc đời, kinh nghiệm khoa học của họ cho muôn đời sau. Còn hiệu quả có thể thấy ngay được, đó là việc sưu tầm, lưu trữ tư liệu, hiện vật của các tiến sĩ sẽ giúp cho xã hội sử dụng tốt nguồn lực chất xám.
* Nhưng với những nhà khoa học cận đại, hiện đại có cuộc đời chìm nổi, như Trần Đức Thảo chẳng hạn, thì việc tìm được bản thảo thất lạc sẽ không dễ dàng?
- "Năng nhặt" thì thế nào cũng tìm được. Bố tôi (GS Nguyễn Văn Huyên) thu thập tư liệu để làm luận án tiến sĩ từ năm 1931 ở Paris. Vậy mà cho đến nay, trong nhà tôi vẫn còn lưu giữ nhiều bản chép tay và tư liệu điền dã của ông. Có những cuốn sách được viết từ năm 1939 mà giờ vẫn còn bản thảo. Gia đình GS Tôn Thất Tùng cũng đang lưu giữ toàn bộ tài liệu, ghi chép của GS.
Theo Thanhnien