Trao đổi với đồng chí Đinh Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện được biết: Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao, Trung tâm dạy nghề Yên Khánh xác định công tác đào tạo nghề phải bám sát nhu cầu người học và yêu cầu của thị trường. Do đó, Trung tâm đã cử đội ngũ cán bộ xuống trực tiếp xã, thị trấn để nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, tư vấn, phỏng vấn và giúp người lao động chuẩn bị thủ tục để đăng ký học nghề. Vì vậy, việc đăng ký học nghề của người lao động đã hạn chế tình trạng học theo phong trào mà chú trọng đi vào nhu cầu thực chất của bản thân.
Trên địa bàn huyện Yên Khánh những năm gần đây đã có nhiều công ty may công nghiệp đi vào hoạt động như: NienHsing, Excell, 27-7, Tam Châu, Yên Thành, Hoa Hường, Thanh Nga và hàng chục tổ hợp may ở các xã, thị trấn. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động nghề may luôn được các doanh nghiệp chú ý, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ. Nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ hợp may, Trung tâm dạy nghề Yên Khánh đã đẩy mạnh hoạt động phối hợp, liên kết để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, tạo thuận lợi cho người học nghề có thể học ngay tại địa phương, không phải đi lại xa xôi và có cơ hội được tuyển dụng ngay sau khi học nghề tại các doanh nghiệp, tổ hợp mà mình đến học. Với cách làm này, từ đầu năm 2012 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 3 lớp đào tạo nghề may với gần 100 học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức được 2 lớp đào tạo lái xe ô tô hạng B2 cho hơn 40 học viên, lớp đào tạo tin học cho 41 học viên.
Trung tâm hiện có 4 xưởng dạy nghề may, xưởng học nghề điện, công nghiệp, tin học với đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Đội ngũ giáo viên đứng lớp đều là những giáo viên đang giảng dạy tại các trường nghề trong tỉnh, người làm nghề giàu kinh nghiệm tại các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Do đó, nhu cầu học nghề của người lao động đang từng bước được đáp ứng thuận lợi và hiệu quả. Trong tháng 12 này, qua khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn, Trung tâm tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề: đan bèo bồng, bẹ chuối, đan cói, bện lúa non, mộc dân dụng, may công nghiệp cho hơn 200 lao động. Đây cũng là những nghề mà nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ hợp trên địa bàn đang cần tuyển dụng.
Về kế hoạch đào tạo nghề lâu dài của Trung tâm, đồng chí Đinh Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên các xã, thị trấn để triển khai kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo nghề phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới như: Chăn nuôi, vận hành, sửa chữa các máy nông cụ, điện dân dụng, thú y…
Đối tượng học nghề được hướng tới đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, không thi vào được THPT sẽ được tư vấn, hướng dẫn tham gia các lớp đào tạo nghề dài hạn có trình độ trung cấp với các nghề phù hợp ở địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo nghề theo hình thức ngắn hạn từ 2-3 tháng đáp ứng nhu cầu của người lao động, nhất là lao động nữ với các nghề không đòi hỏi kỹ thuật quá khó như: may, đan cói, bèo bồng, bện lúa non…
Trung tâm dạy nghề Yên Khánh phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 200-300 lao động, góp phần tìm việc làm cho 100% lao động sau đào tạo nghề, giúp cho nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Qua đó góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp theo mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
Phan Hiếu