Hiện nay, có nhiều loại thuốc hóa học có thể phun trừ sâu đục thân rất hiệu quả. Tuy nhiên không giống như các đối tượng gây hại khác, sâu non có khả năng đục qua bẹ, lá đòng và chui vào trong thân cây lúa để sinh và nếu không phun thuốc đúng thời điểm thì hiệu quả rất thấp. Một thực tế là bà con nông dân ít người hiểu rõ được vấn đề trên nên thường sử dụng thuốc tùy tiện, không tuân theo khuyến cáo của HTX hay trạm BVTV, phun thuốc khi sâu đã đục vào trong thân do đó hiệu lực trừ sâu không cao. Còn nhớ vụ mùa 2008, rải rác ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thị xã Tam Điệp có những thửa ruộng bông lúa bạc trắng, có nơi tỷ lệ bông bạc lên tới 70%. Nhiều hộ dân bỏ công ra cấy cày, chăm sóc rồi phun thuốc nhưng do họ phun thuốc không đúng lúc, đúng cách nên không được thu hoạch.
Vụ mùa năm nay, nhìn chung trên phạm vi toàn tỉnh lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng, trà mùa trung từ đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ, trà mùa muộn đang bén rễ hồi xanh. Tuy nhiên, qua điều tra diễn biến tình hình dịch hại trên đồng ruộng thì hiện nay sâu đục thân lúa 2 chấm đang phát sinh và có khả năng gây hại. Cụ thể: sâu non sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 3 đã gây hại cục bộ trên các trà lúa đặc biệt là các trà lúa mùa sớm. Mật độ sâu trung bình: 0,6 con/m2 cao gấp 1,2 lần so với vụ mùa 2008; nơi cao 2-3 con/m2, cá biệt có nơi mật độ lên tới 5-7 con/m2 . Các huyện có mật độ sâu cao như: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư. Hiện nay, bướm sâu đục thân lúa 2 chấm, lứa 4 đang bắt đầu ra rộ, mật độ nơi cao từ 0,5-2 con/m2, cá biệt từ 3-5 con/m2. Trứng cũng đã xuất hiện với mật độ nơi cao là 0,5-1 ổ/m2 (cụ thể là ở Nho Quan).
Theo Chi cục BVTV tỉnh, trong thời gian tới bướm sâu đục thân lúa 2 chấm tiếp tục ra rộ đến 8/8. Sâu non nở rộ từ 28/7-15/8 (riêng huyện Nho Quan sớm hơn từ 2-3 ngày) gây hại rộng trên các trà lúa mùa sớm và mùa trung diện xanh tốt, tập trung ở các huyện: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, Yên Mô. Tỷ lệ hại trung bình: 1,2%, nơi cao 4-5%, cá biệt 20-30% dảnh, đòng héo; bông bạc. Như vậy nếu các địa phương không phun trừ kịp thời thì nhiều diện tích có thể bị hại nặng, gây ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Để ngăn chặn nguy cơ sâu bệnh gây hại trên diện rộng, yêu cầu đặt ra lúc này là cần nâng cao hiệu quả phòng trừ, khắc phục những thói quen sử dụng thuốc không đúng nguyên tắc của bà con nông dân. Các trạm BVTV, HTX cần có sự tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, ra thông báo hướng dẫn cho bà con nông dân phun trừ kịp thời, tuân thủ đúng thời điểm phòng trừ, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Chi cục BVTV đã có chỉ đạo đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo đó: các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến dịch hại để có biện pháp phun trừ kịp thời khi tới ngưỡng. Cần tiến hành phun trừ trên những ruộng có mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 khi sâu non tuổi 1 nở rộ. Những ruộng có mật độ ổ trứng trên 1 ổ/m2 phải phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày. Thời gian phun trừ từ ngày 1/8 đến 12/8 (riêng huyện Nho Quan thời gian phun trừ sớm hơn từ 2-3 ngày). Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Tasodant 600 EC, Dupont prevathon 5 SC, Lorsban 40 EC, Virtako 30 EC; liều lượng, cách sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì.
Đồng chí Đỗ Thị Thao, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: lâu nay hiệu quả trừ sâu đục thân trên lúa chưa cao do bà con không tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng trong phun trừ. Sâu đục thân không giống như các đối tượng khác, việc phun thuốc chỉ đem lại hiệu quả ở thời điểm sâu non nở rộ và đang ở tuổi 1 và tuổi 2. Một lưu ý rất quan trọng nữa là: bà con chỉ nên sử dụng các loại thuốc như đã khuyến cáo nêu trên, bởi đây là những loại thuốc có hiệu lực cao đối với sâu đục thân, đã được Chi cục tiến hành thử nghiệm còn lại các thuốc khác hiệu quả phòng trừ rất thấp chỉ đạt từ 30-40%.
Như vậy, nếu bà con nông dân tuân thủ tốt những khuyến cáo trên thì thiệt hại sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
Nguyễn Lựu