Tỉnh Ninh Bình có một số xã thuộc huyện vùng biển Kim Sơn được hưởng dự án. Từ đó đến nay, công tác trồng rừng ngập mặn ven biển đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tốt, góp phần tích cực vào việc hạn chế tác hại của gió, bão, bảo vệ đê biển, phòng, chống lụt bão.
Là xã nghèo, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nên những năm qua, xã Kim Đông (Kim Sơn) nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền, các dự án trong nước và quốc tế, trong đó có dự án trồng rừng ngập mặn. Hàng năm xã tham gia trồng rừng phòng hộ bảo vệ đê biển từ các Chương trình 661, Dự án chương trình tài trợ Việt- Nhật…
Xã Kim Đông đã giao cho Hội Chữ thập đỏ xã đảm nhiệm và đi đầu trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Từ năm 1997 đến nay, Kim Đông đã trồng được 135 ha cây vẹt và cây bần chua, chăm sóc và bảo vệ 119 ha đất rừng, trong đó có 57 ha đang bảo vệ vành đai đê biển Bình Minh 3.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã cho biết, trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn, nhận thấy để cây trồng có tỷ lệ sống cao, thích ứng với môi trường và điều kiện tự nhiên của địa phương, phải làm tốt việc ươm giống cây trồng ngay tại địa phương. Hội Chữ thập đỏ xã đã trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hòa để xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Trong đó, cây bần chua là giống cây đầu tiên được đưa vào ươm, có diện tích 1.500 m2 ở ngoài đê Bình Minh 2.
Sau 1 năm triển khai, dự án vườn ươm giống bần chua đã thành công ngoài sự mong đợi. Hiện tại, trong vườn ươm của doanh nghiệp đã có 300.000 - 350.000 cây con. Đây là nguồn cây giống phục vụ cho việc trồng rừng phòng hộ ven biển của huyện Kim Sơn, khắc phục được tình trạng của những năm trước phải đi mua giống cây ở các tỉnh ngoài. Bên cạnh đó, hiệu quả từ dự án trồng cây giống của Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, giảm chi phí vận chuyển, ngày công lao động cho việc trồng rừng…
Cùng với việc triển khai các công việc liên quan đến việc trồng rừng ngập mặn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tác dụng tích cực của rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió đến mọi người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc phát hành sách hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn, qua tuyên truyền của cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở… góp phần làm thay đổi đáng kể nhận thức và hành động của nhân dân vùng có nguy cơ cao về thảm họa. Qua đó nhiều người dân đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ ở cơ sở thông tin kịp thời về những hành vi xâm hại rừng và đất trồng rừng, giúp Ban quản lý, lực lượng bảo vệ và các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Năm nay, với các cây trồng mới, Ban quản lý dự án trồng rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Mỹ, Kim Trung (Kim Sơn) để tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng. Đã có 26 hộ tham gia với diện tích trồng là 55 ha, với 2 cây trồng chính là bần và vẹt. Trong đó, xã Kim Đông 15 ha, xã Kim Trung 10 ha, Kim Mỹ 15 ha và Kim Hải 15 ha, tỷ lệ cây sống đạt 90,5% đối với cây vẹt và 68,75% đối với cây bần, cao hơn hẳn so với trồng rễ trần là 15 - 30%.
Cùng với 55 ha cây trồng mới tại 4 xã ven biển huyện Kim Sơn, Ban quản lý dự án đã tiếp nhận và tổ chức trồng 15 ha cây trang và 15 ha cây bần từ tổ chức ACTMANG (tổ chức hành động phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Nhật Bản) với tỷ lệ cây sống là 80% đối với cây trang và 56% đối với cây bần. Với tổng số 85 ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển được trồng mới, đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ đê biển, phòng ngừa thiên tai, phòng, chống lụt bão ở địa phương.
Lý Nhân - Thế Minh