Diện tích rau đậu vụ đông xuân 2006 là 1.715ha thì đến năm 2008 đã tăng lên 1.944 ha và năm 2009 đạt gần 3.000 ha. Thời vụ gieo trồng phù hợp nhất đối với hầu hết các loại rau là vụ thu đông và vụ đông xuân nên người dân thường tập trung trồng vào 2 vụ này. Cũng chính vì tập trung trồng nhiều mà giá rau trên thị trường không cao. Để nâng cao giá trị của cây rau, một số nơi bà con nông dân đã tìm cách trồng rau trái vụ.
Trong mùa mưa, rau sinh trưởng kém, năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh và thậm chí có loại còn không ra hoa, kết trái. Tuy gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng điều hấp dẫn với người sản xuất là giá cao (thường gấp 3-5 lần lúc chính vụ) Hiện nay nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều giống mới được lai tạo đã thích hợp với những điều kiện khí hậu khác nhau như: bắp cải chịu nhiệt, su hào chịu nhiệt, cà chua hè…. Kỹ thuật canh tác cũng tiên tiến hơn với các hình thức trồng cây trong nhà lưới, trồng thủy canh… giúp cho việc trồng rau trái vụ trở nên dễ dàng hơn.
Tiếp nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhạy bén với thị trường, gần đây những người dân xóm 7, xã Khánh Mậu (Yên Khánh) đã khá thành công trong việc phát triển rau trái vụ với gần 100 hộ tham gia, diện tích gieo trồng là gần 30 mẫu. Bình quân các hộ trong xã có thể đạt thu nhập từ 20-30 triệu đồng/năm nhờ trồng rau trái vụ.
Ông Phạm Văn Bốn, một hộ trồng rau thâm niên ở đây cho biết: Nghề trồng rau ở đây đã có khá lâu nhưng khoảng 1-2 năm trở lại đây mới phát triển thêm rau trái vụ. Sản xuất rau trái vụ yêu cầu vốn hiểu biết và kỹ thuật rất cao. Không phải lúc nào cũng trồng với bất cứ các loại rau nào, mà phải dựa trên điều kiện thời tiết và yêu cầu của cây trồng. Như: mùa hè với điều kiện bình thường thì không thể trồng được các loại rau cải bắp, su hào, súp lơ mà chỉ sản xuất súp lơ sớm, cà chua muộn, hành sớm vào thời điểm trước hoặc sau chính vụ 1-2 tháng hay tăng vụ trong năm như trồng bí xanh vào vụ hè thu… Mặt khác, để đạt hiệu quả cao thì việc trồng, chăm sóc cũng phải thực sự công phu và tỷ mỉ.
Nghe nhiều người khen ngợi tài trồng rau trái vụ của ông Nguyễn Xuân Thọ, chúng tôi đến tìm hiểu cách thức canh tác của lão nông này. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những luống cải xanh mơn mởn. Nhìn sang ruộng bên cạnh, cải mới mọc được 2 lá mầm. Hiểu được thắc mắc của chúng tôi, ông giải thích, đó là họ trồng muộn còn tôi trồng sớm hơn cho được giá.
Ông Thọ bộc bạch: trồng rau trái vụ phải rất kỳ công, làm đất kỹ, bón lót nhiều phân chuồng, phủ một lớp rơm và chăm tưới thường xuyên. Thêm vào đó phải dựa vào thời tiết để chăm bón, nếu thấy trời sắp mưa thì tuyệt đối không được bón phân để tránh rau non quá dễ bị dập nát. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề nông ông đúc kết ra rằng: nông sản trái vụ thường bán đắt gấp đôi chính vụ. Ví dụ như rau cải chính vụ chỉ có 2 nghìn đồng/1kg thì trái vụ giá lên tới 4-5 nghìn/kg mà thương lái tranh nhau mua tận ruộng. Ông Thọ tiết lộ: những năm gần đây, với 5 sào trồng rau năm nào ông cũng đạt mức thu trên 50 triệu đồng.
Làm chủ kỹ thuật, tiêu thụ thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao là những yếu tố quan trọng để diện tích rau trái vụ ở Khánh Mậu ngày càng được mở rộng. Nếu như những năm trước chỉ có một vài hộ tham gia với vài chục mẫu thì hiện nay mô hình này đã lan rộng ra nhiều thôn trong xã. Tuy nhiên để phát triển vùng rau này cần có sự giúp đỡ của ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền trong việc xây dựng một số mô hình điểm về rau an toàn trong nhà lưới nhằm nâng cao chất lượng rau hàng hóa.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu