Kể về những ngày đầu khởi nghiệp, ông Trịnh Xuân Kim chia sẻ: Ngày đó, việc xử lý độ mặn trong đồng ruộng còn kém, cha ông tôi quanh năm suốt tháng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để cấy lúa mà chỉ đủ ăn. Tôi đã nuôi quyết tâm phải làm giàu và xác định rõ hướng đi là phát triển chăn nuôi. Từ Bắc vào Nam dường như nơi nào tôi cũng đến. Thời điểm đó, tôi đi để kiếm việc làm thêm, đồng thời là để học hỏi kinh nghiệm sản xuất cũng như lựa chọn con giống, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của quê nhà. Có một thời gian tôi tìm đến học hỏi tại Viện chăn nuôi, Trường Đại học Nông nghiệp hay các công ty cung cấp thức ăn gia súc để tìm hiểu rõ cách thức chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho từng loại con giống.
Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy thịt lợn sản xuất theo phương pháp truyền thống nhỏ lẻ có tỷ lệ mỡ cao, giá trị thấp, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Kết hợp với nghiên cứu thị trường, tôi nhận thấy thịt lợn siêu nạc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Bởi vậy, tôi quyết định chọn giống lợn siêu nạc để phát triển chăn nuôi.
Sau khi đã lựa chọn được hướng đi cho riêng mình, ông Kim trở về quê hương và bán đi một phần tài sản để có vốn lập nghiệp. Cộng với khoản tiền tích góp được trong nhiều năm, tổng cộng được hơn 500 triệu đồng. Được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền, tháng 4-2004, ông thuê 11.500m2 đất để xây dựng trang trại chăn nuôi.
Mới đầu, ông xây dựng 8 khu trại với diện tích 2.000m2, thiết kế chuồng nuôi có 100 con lợn nái và 4 lợn đực giống. Với vốn kiến thức, kinh nghiệm đã đúc kết được, việc sản xuất và chăn nuôi trang trại của ông gặp nhiều thuận lợi, quy mô chuồng trại ngày một phát triển.
Nhận thấy việc sản xuất, kinh doanh cần có thương hiệu để tạo dựng niềm tin đối với bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ, ông quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Kim Dâng chăn nuôi lợn nái ngoại siêu nạc sinh sản.
Trong hơn 10 năm sản xuất, giống lợn của ông nổi tiếng vì không có dịch bệnh, không chỉ cung cấp cho nông dân trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận. Từ năm 2014 cho đến nay, mỗi năm ông cung cấp từ 3.000 - 5.000 con giống tốt theo tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thịt lợn của doanh nghiệp Kim Dâng đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... được kiểm định, đưa vào bày bán tại các gian hàng của hệ thống siêu thị BigC.
Đến nay, ông đã có 500 con lợn nái và 18 con lợn đực giống. Từ năm 2013 đến nay, doanh thu mỗi năm ước tính hơn 10 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, trả lương cho 20 công nhân cũng như thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, lợi nhuận mỗi năm thu về từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.
Ông Kim cho biết, để con lợn khỏe mạnh, không bị bệnh dịch, địa điểm đặt chuồng trại phải ở nơi cao ráo, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Ngoài ra, phải lựa chọn con giống đủ tiêu chuẩn, nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh khi cho lợn uống và vệ sinh chuồng trại.
Hơn thế, nguồn thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng, thực hiện cho ăn theo khẩu phần thích hợp với từng loại lợn. Để xử lý chất thải chăn nuôi, ông Kim đã cho xây dựng bể chứa Biogas lấy nhiên liệu đun nấu hoặc chạy máy phát để thắp sáng bóng đèn tia hồng ngoại giữ ấm cho lợn khi thời tiết lạnh hoặc khi xảy ra mất điện.
Từ kinh nghiệm chăn nuôi của mình, ông Kim luôn nhiệt tình giúp đỡ những cá nhân, doanh nghiệp chăn nuôi khi có nhu cầu về thụ tinh hoặc hỗ trợ con giống.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông đã tổ chức gần 25 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp và cách phòng trừ dịch bệnh trên heo cho gần 600 lượt người của các xã nghèo trong huyện Kim Sơn.
Kết quả ban đầu cho thấy, những hộ được nhận con giống và hỗ trợ về kỹ thuật đã tăng được nguồn thu nhập, thoát khỏi diện nghèo trong xã và vươn lên làm giàu chính đáng.
Thái Học