Nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, ngày 18/7, tại xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị trình diễn mạ khay, cấy máy. Đông đảo cán bộ HTX, nông dân trong vùng đã trực tiếp đến thăm quan, trải nghiệm, đánh giá phương thức sản xuất tiên tiến này.
Trình diễn mạ khay, cấy máy tại xã Đồng Hướng
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, máy cấy được đưa vào ứng dụng thay thế cho biện pháp gieo cấy bằng tay từ năm 2013. Với nhiều ưu điểm vượt trội như: tiết kiệm giống, dễ quản lý, chăm sóc, giảm chi phí nhân công lao động, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV phải sử dụng trong khi năng suất tương đương, thậm chí cao hơn so với lúa cấy tay nên phương pháp gieo cấy này được nông dân và các HTX tiếp nhận, đánh giá cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều tổ hợp tác dịch vụ mạ khay, cấy máy đã được thành lập và vận hành tốt. Vụ xuân 2022, tổng diện tích cấy bằng máy trên địa bàn tỉnh đạt 350 ha, vụ mùa dự kiến là gần 500 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư.
Riêng trên địa bàn huyện Kim Sơn, việc triển khai mô hình còn gặp nhiều khó khăn. Đồng Hướng là một trong những xã tiên phong của huyện thí điểm cấy máy, bắt đầu từ năm 2021 với diện tích nhỏ. Bước sang vụ mùa 2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình được nhân rộng ra 20 ha kết hợp với cách làm bài bản, theo chuỗi giá trị đồng bộ, được kỳ vọng sẽ là điển hình để nhân rộng trong toàn huyện.
Phát biểu tại hội nghị, bà con nông dân, các HTX, đại diện đơn vị làm dịch vụ mạ khay, cấy máy đều khẳng định đây là phương thức sản xuất mang lại nhiều lợi ích khi giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, để nâng tỷ lệ diện tích áp dụng nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất mạ khay. Mặc khác, tỉnh, huyện nên có thêm các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là vốn, mặt bằng để làm mạ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho bà con.