Mục tiêu của dự án là cung cấp nguồn giống lúa thuần chất lượng cao, ổn định với giá thành phù hợp, từ đó chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Ngay từ lúc bắt tay vào thực hiện, địa phương đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm, lập quy hoạch và kế hoạch sản xuất, đầu tư kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng, lắp đặt trạm bơm, cống điều tiết nước tưới đồng bộ với số vốn đầu tư hơn 18,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện Yên Khánh đã chủ động mời Viện Di truyền nông nghiệp, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang cùng với hàng trăm hộ nông dân tham gia bàn bạc triển khai dự án trên tinh thần liên kết "4 nhà".
Sau 4 vụ sản xuất, giống lúa QR1 thể hiện là một giống lúa thuần với nhiều ưu thế: ngắn ngày, khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt, ít sâu bệnh, chất lượng gạo ngon. Vụ xuân năng suất đạt 59,7 tạ/ha, vụ mùa đạt 56,9-67,6 tạ/ha. Thu nhập bình quân từ sản xuất giống lúa QR1 là 2.160.000 - 2.286.000 đồng/sào, tương đương 60-63,5 triệu đồng/ha/vụ.
Trong sản xuất đại trà, năm 2010 mới có 17/36 HTX nông nghiệp trong huyện Yên Khánh đưa giống QR1 vào sản xuất, với tổng diện tích 207,1 ha, thì đến vụ mùa 2011 đã có 36/36 HTX nông nghiệp sản xuất, với 1.617 ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang cho biết: Với 200 ha của dự án đã tạo ra 1.200-1.400 tấn lúa giống/vụ, chủ động một phần giống lúa thuần chất lượng cao cho huyện, cho tỉnh và một số tỉnh bạn. Doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai vùng sản xuất giống lúa này tại huyện Nho Quan
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh khẳng định: Dự án đã tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, chủ động một phần khá lớn nguồn giống chất lượng cao cho tỉnh, tạo mô hình cơ chế liên kết "4 nhà" thực sự có hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học; hình thành mô hình để triển khai ứng dụng sản phẩm nghiên cứu khoa học, nhanh chóng đưa vào sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện dự án, Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Năng Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp rất tâm đắc và cho đây là một mô hình ấn tượng. Tại đây, tất cả các gia đình nông dân đều trồng 1 loại giống, tuân theo quy trình kỹ thuật và đều sản xuất ra một loại hàng hóa. Việc liên kết những hộ nông dân sản xuất nhỏ cùng tham gia trồng 1 loại sản phẩm như mô hình sản xuất giống lúa QR1 ở Yên Khánh là một thành quả rất đáng ghi nhận, vì nó tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn mà không cần quy tụ đất đai vốn rất khó khăn trong thực hiện.
Ông Phạm Ngọc Vinh, Chủ nhiệm HTX Đông Cường (Khánh Cường) phấn khởi cho biết: Ban đầu việc vận động, thống nhất 100% xã viên tham gia vùng dự án thực hiện tốt quy trình sản xuất đã quy định quả thực rất khó khăn, nhưng HTX đã quyết tâm thực hiện và cuối cùng cũng thành công. Nếu cấy lúa thông thường thì thu nhập không những thấp mà còn bấp bênh. Cấy lúa giống thu nhập cao hơn từ 150.000-200.000 đồng/sào và điều quan trọng hơn là đầu ra do doanh nghiệp chịu trách nhiệm nên không sợ thất thu.
Dự án sản xuất giống QR1 tuy mức độ thành công chưa lớn và cần tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, song việc sản xuất thành công giống lúa chất lượng cao đã mở ra triển vọng mới trong sản xuất, giúp tỉnh ta chủ động nguồn giống chất lượng cao, giá rẻ để nhanh chóng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, nâng giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị canh tác, giúp nông dân làm giàu.
Hà Phương