Với 1.250 ha ruộng trũng và gần 1.000 ha mặt nước ao, hồ, Yên Mô có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2002, huyện đã có chủ trương chuyển diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp với nuôi thủy sản, bước đầu xây dựng mô hình ở xã Yên Thắng, sau đó nhân rộng ra các xã đồng chiêm trũng trên địa bàn huyện.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá kết hợp. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình làm kinh tế điểm để học tập kinh nghiệm. Ngoài ra còn mở rộng chăn nuôi thủy sản trên mặt nước ao hồ, tập trung chỉ đạo hướng đầu tư thâm canh có chiều sâu, chuyển giao tiến bộ KHKT về giống, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, thu hút các nguồn lực cho phát triển thủy sản. Năm 2001, diện tích chuyển đổi nuôi trồng thủy sản là 11 ha, sản lượng khai thác đạt 13 tấn, đến năm 2007 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 223,5 ha, sản lượng khai thác đạt 404 tấn.
Đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, qua 5 năm thực hiện chuyển đổi, lợi ích từ cấy lúa và nuôi cá kết hợp là rất lớn. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích cao gấp 1,5 lần so với chuyên canh lúa trong khi chi phí sản xuất giảm rõ rệt. Thực tế cho thấy, diện tích chuyển đổi được thực hiện theo nhiều mô hình khá đa dạng, như canh tác 1 vụ lúa + 1 vụ cá kết hợp với chăn nuôi trên bờ, loại hình này tập trung chủ yếu ở các hộ có diện tích từ 0,5 ha trở lên tại hai xã Yên Đồng và Yên Thắng. Các trang trại lúa - cá loại này đều có hệ thống nhà tạm, có thể kết hợp chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt… tạo thành mô hình VAC khép kín đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trước đây, diện tích vùng chưa chuyển đổi cho thu nhập đạt 20-22 triệu đồng/ha thì đến nay, bình quân thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Đối với mô hình xen canh 2 vụ lúa + 1 vụ cá, tập trung ở những hộ có diện tích nhỏ hơn, vốn đầu tư ít, thức ăn cho cá chủ yếu sử dụng phân hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp, ngoài thu hoạch hai vụ lúa, năng suất cá trung bình cũng đạt 1,3 tấn/ha/năm, doanh thu đạt 60-65 triệu đồng/ha/năm.
Nhờ phát triển các trang trại lúa - cá mà đời sống của nhiều hộ nông dân trong huyện được cải thiện đáng kể. Điển hình như hộ ông Đinh Văn Đức có 3 mẫu 9 sào đất, theo mô hình nuôi trồng thủy sản (chủ yếu với các loại cá trắm, chim trắng, chép, trôi, mè…) cho thu hoạch 2-3 lứa, đạt 3,5 - 4 tấn cá/năm, kết hợp chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, mỗi năm ông Đức thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện chuyển đổi, mô hình lúa - cá cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Các hộ phát triển mô hình theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún với hình thức quảng canh, mạnh ai nấy làm, còn thiếu sự gắn kết và quy hoạch phát triển. Hệ thống cấp thoát nước vùng chuyển đổi vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nuôi thủy sản, đặc biệt là đối với những hộ thâm canh cao, dẫn đến năng suất và chất lượng thủy sản ở đây còn kém so với các mô hình lúa cá được "chuyên môn hóa" của nhiều địa phương trong tỉnh.
Kỹ thuật nuôi thủy sản còn tương đối yếu, do chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất không cao. Vì vậy, để khai thác tốt tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản thông qua chuyển đổi những chân ruộng trũng, Yên Mô cần có một quy hoạch tổng thể thống nhất cho các vùng đồng trũng có tiềm năng chuyển đổi sang mô hình lúa - cá. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ vùng chuyên canh, thâm canh cao. Có chính sách cho thuê đất lâu dài, để các hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất, Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dự án trong chương trình phối hợp "4 nhà" nhằm hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân...
Quốc Khang