Lúc trò chuyện ngoài lề với tôi, tiến sĩ Tống Khiêm- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cứ nhắc đi nhắc lại nỗi lo khi giới truyền thông tuyên truyền về gieo thẳng bởi lẽ: "Tôi lo làm sao các địa phương chỉ đạo đúng kỹ thuật chứ cứ hô hào rồi để dân tự phát gieo thẳng dễ thất bại lắm bởi khác với cấy, ranh giới giữa thất bại và thành công của gieo thẳng rất gần nếu không tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật. Ở miền Bắc sở dĩ gieo thẳng không được mở rộng mấy vì lý do như sức ì của tập quán, do làm chưa đúng nên không hiệu quả (gieo thẳng không liền khoảnh, chỗ dày, chỗ mỏng...), do ruộng đất manh mún… Tôi đã chỉ đạo một điểm gieo thẳng ở Kim Sơn- Sơn Tây cách đây mấy chục năm, giờ xã đó vẫn duy trì gieo thẳng, cho hiệu quả tốt nhưng xã bên cạnh lại vẫn không theo".
TS. Tống Khiêm nói thêm: "Gieo thẳng có nhiều điều kiện kèm theo như phải liền khoảnh để thuận lợi về thời vụ và tránh chim chuột phá hoại; ruộng đồng phải phẳng bởi khi đưa nước vào vì nếu ruộng gập ghềnh, chỗ úng chỗ hạn khiến lúa không mọc nổi; gieo thẳng phải đều vì không đều phải dặm lại, cấy lại hay tỉa thưa gây tốn công dân sinh ra chán nản năm sau không muốn làm (gieo thẳng có một ý nghĩa rất lớn là lợi công, nếu ý nghĩa đó không còn thì gieo thẳng cũng mất hấp dẫn). Trong một cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã nhấn mạnh gieo thẳng là biện pháp hay với điều kiện hệ thống khuyến nông phải hướng dẫn tốt và chỉ nơi nào khuyến nông hướng dẫn mới làm, mới chắc".
Trong sản xuất lúa ở miền Bắc nói chung, chi phí nhân công cho việc làm mạ, cấy lúa kết cấu lớn trong giá thành sản phẩm cho nên hiệu quả của sản xuất lúa còn chưa cao thậm chí nhiều nơi còn lỗ. Song song với đó do việc gieo cấy thủ công nên rất khó khăn cho bố trí nhân lực trong những ngày mùa giáp vụ. Chính vì thế mà chuyện đưa công cụ gieo thẳng lúa theo hàng mới đây của một số tỉnh như Hà Tây, Thái Bình, Vĩnh Phúc… đã thu hút sự quan tâm rất lớn của bà con nông dân. Chuyện gieo thẳng ở Hà Tây là một điển hình.
Trước đây mấy chục năm, Hà Tây đã có điểm gieo thẳng ở HTX Kim Sơn (Sơn Tây) nhưng sau bao nhiêu năm vẫn chỉ có mỗi Kim Sơn làm gieo thẳng. Năm 2007, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Khuyến nông tỉnh đã mua 10 bộ giàn sạ ở trong Nam hỗ trợ cho một số địa phương để gieo được 50 ha lúa. Kết quả các địa phương này đều đánh giá rất cao công cụ sạ hàng này, gieo thẳng lúa theo hàng không những cho năng suất cao hơn gieo vãi mà còn cao hơn cả lúa cấy. Công cụ gieo thẳng lúa theo hàng đã khẳng định tính vượt trội của nó so với cấy lúa truyền thống là giảm được công cấy, công nhổ mạ: Với 1 giàn sạ, 2 người kéo trong 1 ngày được trên 2 ha, bằng 40 người cấy và nhổ mạ; tranh thủ được thời vụ, rút ngắn được thời gian sinh trưởng so với lúa cấy từ 7-10 ngày, lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ sớm, dễ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Giảm chi phí về giống so với gieo vãi được 50%; so với cấy 20-30%; tăng năng suất so với gieo vãi 15-20%, làm tốt còn tăng năng suất hơn so với cấy.
Từ kết quả đạt được của năm 2007, năm 2008 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và tỉnh, Trung tâm khuyến nông Hà Tây đã mạnh dạn mua 500 bộ giàn sạ lúa cải tiến để hỗ trợ cho tất cả 14 huyện, thành phố trong tỉnh với dự kiến gieo được 1.000 ha.
Buổi tham quan đầu bờ về gieo lúa theo hàng bằng công cụ tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì thu hút đông đảo sự quan tâm của các tỉnh bạn. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cổ Đô, anh Nguyễn Giang Nam cho biết kế hoạch vụ này sẽ gieo sạ 15 ha nhưng thực tế đã làm 17 ha do chính xã viên phát triển thêm, chuyển từ gieo mạ sân sang sạ. Theo anh Nam ưu điểm của gieo sạ bằng công cụ là giảm chi phí công, giống nhưng phải lưu ý giai đoạn đầu không để úng nước, phòng chống chuột bằng cách cắm trà đuổi chim, đánh bả chuột, chăm sóc đúng quy trình. Gieo sạ có nguy cơ lúa bị đổ cao hơn cấy nhưng có thể khắc phục bằng cách làm đất xong là gieo ngay để hạt thóc chìm sâu hơn. Gieo sạ trên chân đất cát pha nhiều, đất thịt nặng dễ thất bại hơn nên gieo trên đất thịt pha là tốt nhất; gieo vụ xuân thuận hơn vụ mùa. Gieo thẳng bằng công cụ hiện không chỉ nhận được sự hưởng ứng của nông dân Hà Tây mà còn cả các tỉnh khác. Anh Hải-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc kể về công cấy 75.000 đồng do công nghiệp hóa của địa phương quá mạnh gây ra cảnh thiếu nhân lực: "Nông dân rất khoái cách gieo sạ bằng công cụ dù chỉ mới làm thử. Theo tôi để đảm bảo cho thành công nên tập trung diện tích từ 10ha trở lên để chống chim chuột, sâu bọ; chủ động về nước; làm đất kỹ và trang phẳng; nên lọc kỹ hạt lửng, hạt lép trước khi ngâm, dùng thêm những chế phẩm xử lý hạt, dùng thuốc diệt cỏ sớm". Anh Thự- Giám đốcTrung tâm Khuyến nông Thái Bình kể về chuyện được Hà Tây "kỷ niệm" máy gieo sạ khiến dân thích quá, đặt tiền để mua máy ầm ầm mà không cần hỗ trợ. Dân Thái Bình không chỉ gieo sạ theo máy mà còn cải tiến chế thêm một mảnh gỗ để gạt bằng vết chân người đi gieo trên ruộng: "Không giảm công thì không cấy hái có hiệu quả được, dân dễ bỏ ruộng. Tôi tính đồng đất Thái Bình có thể gieo sạ lên tới 20.000 ha cơ"…
(Theo NNVN)