Ông Nguyễn Phúc Tài, một "người anh cả" trong Hội đồng hương Ninh Bình ở Bạc Liêu đến triển lãm từ rất sớm và chăm chú xem từng bức ảnh, dừng lại trên từng hiện vật để tìm hiểu, nghiên cứu với một niềm xúc động. Xa quê nhiều năm nên những hình ảnh và hiện vật về quê nhà tại đây khơi gợi trong ông niềm thương nhớ, tự hào và dịu đi phần nào nỗi nhớ quê hương.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cho biết:
Triển lãm Kinh đô Hoa Lư và di tích lịch sử, văn hóa Bạc Liêu trưng bày hơn 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật khái quát về sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư trên mảnh đất Ninh Bình "địa linh nhân kiệt"; đồng thời giới thiệu những giá trị tiêu biểu của các di tích lịch sử - văn hóa ở Bạc Liêu.
Triển lãm cũng là không gian lý tưởng cho những người con quê hương Ninh Bình và Bạc Liêu đến tìm hiểu, để hiểu thêm về lịch sử-văn hóa hai tỉnh. Cùng với không gian "Kinh đô Hoa Lư", những di tích lịch sử- văn hóa của Bạc Liêu cũng giúp cho người xem hiểu thêm về lịch sử khai hoang khẩn đất và phong tục tập quán đẹp đẽ của những lớp tiền nhân ở Bạc Liêu để lại cho đời sau.
Đợt triển lãm "Kinh đô Hoa Lư" và di tích lịch sử-văn hóa Bạc Liêu chính là nơi và là dịp để hai tỉnh kết nghĩa anh em có dịp cùng hội tụ bản sắc văn hóa-lịch sử của hai vùng đất.
Cách đây 59 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh phong trào đoàn kết và ủng hộ đồng bào miền Nam đấu tranh chống giặc Mỹ, ngày 23/1/1960, Tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ kết nghĩa 2 tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu và phát động phong trào thi đua lao động, học tập, công tác và chiến đấu với chủ đề "Vì miền Nam ruột thịt".
Từ đó, Bạc Liêu - Ninh Bình trở thành biểu tượng đẹp của tình anh em Bắc - Nam liền một dải; sự gắn kết keo sơn ấy không chỉ được minh chứng qua chiều dài lịch sử mà còn kết tinh vững bền qua bao thế hệ, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.
Những hoạt động bảo tồn, bảo tàng, gìn giữ di tích, hiện vật thời quá khứ và tổ chức trưng bày triển lãm để thế hệ hôm nay hiểu biết về lịch sử cha ông chính là những việc làm thiết thực để thực hiện lời Bác Hồ dạy: "Dân ta phải hiểu sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Đó cũng là cách gián tiếp để thế hệ trẻ tiếp nối những tâm nguyện tốt đẹp của người đời trước để lại- thông qua việc khơi gợi niềm tự hào từ những chiến tích lẫy lừng, công trạng của bao bậc tiền nhân.
Cũng theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình Nguyễn Xuân Khang, 2 tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu vốn "tình thân như thể anh em một nhà", đã có với nhau một mối tình kết nghĩa từ trong những năm tháng cam go nhất của lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước. Thế nhưng, người dân của hai tỉnh, không nhiều người có điều kiện được đặt chân đến miền đất kết nghĩa của mình, bởi khoảng cách địa lý quá xa xôi- gần như ở hai đầu cực Bắc-Nam của Tổ quốc.
Do vậy, Triển lãm Kinh đô Hoa Lư và di tích lịch sử - văn hóa Bạc Liêu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức tại Khu B Trung tâm triển lãm Văn hóa và Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu từ 20-25/3 là dịp để người dân Bạc Liêu tiếp cận, hiểu biết thêm về lịch sử, về tỉnh kết nghĩa Ninh Bình, vùng đất "địa linh nhân kiệt" với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và thế giới.
Việc Trưng bày chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư" tại thành phố Bạc Liêu xinh đẹp nhằm giới thiệu về trang sử chói ngời của lịch sử dân tộc với sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư trên mảnh đất Ninh Bình "địa linh - nhân kiệt"; biểu thị tình cảm uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước.
Những hình ảnh, hiện vật tại triển lãm đã giúp người xem hiểu thêm về lịch sử một cách tuần tự, do những chuyên đề được sắp xếp tỉ mỉ, phù hợp, có chú thích rõ ràng. Có thể kể đến những nhóm tư liệu, hình ảnh, hiện vật như: Quá trình thống nhất đất nước và sự ra đời của Nhà nước chính thống đầu tiên ở nước ta (Giới thiệu tiểu sử, quê hương và căn cứ ban đầu của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh; bối cảnh lịch sử và nạn cát cứ 12 sứ quân; quá trình thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xây dựng Nhà nước quân chủ chính thống đầu tiên - Nhà nước Đại Cồ Việt); Lê Hoàn và công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (Kháng chiến chống Tống năm 981 và bình Chiêm năm 982); Giới thiệu về Kinh đô Hoa Lư về diện mạo, các cung điện và công trình tôn giáo; Kinh đô Hoa Lư thời Lý (Quá trình thiên đô từ Hoa Lư ra xây dựng kinh thành Thăng Long của Vua Lý, Kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô Hoa Lư với các công trình kiến trúc tôn giáo); Việc tri ân các thế hệ sau đối với các nhân vật thời Đinh, Tiền Lê…
"Ninh Bình tự hào là quê hương của các anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc như Đinh Tiên Hoàng Đế, Lê Đại Hành Hoàng Đế, danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, bảng nhãn Vũ Duy Thanh, người chiến sỹ cộng sản kiên trung Tạ Uyên, Lương Văn Tụy…
Nhân dân Ninh Bình thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước đã sáng tạo một không gian văn hóa độc đáo với 279 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, cùng với hàng trăm lễ hội, các làn điệu xẩm, ca trù, hát chèo, trống quân, vật, võ.. đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách các thế hệ nhân dân tỉnh Ninh Bình". Một vùng đất "địa linh nhân kiệt" như thế nên luôn là Cố đô yêu dấu trong tim người Ninh Bình sống ở Bạc Liêu, đồng thời luôn để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng người Bạc Liêu khi nhắc về Ninh Bình. Triển lãm sẽ là không gian lý tưởng cho những ai luôn vọng về mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
Ông Lê Thanh Tự, Giám đốc Bảo tàng Bạc Liêu cho biết: Trong năm 2019, tỉnh Bạc Liêu tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước như: Tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu (1019 - 2019); Tổ chức tuần Văn hóa - Du lịch năm 2019... Trong đó có hoạt động triển lãm lần đầu tiên được Bảo tàng Bạc Liêu phối hợp với Bảo tàng Ninh Bình tổ chức trưng bày về di tích lịch sử - văn hóa, các di vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học… trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Triển lãm nhằm góp phần nâng cao nhận thức, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời ra sức giữ gìn, kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa của cha ông để lại.
Triển lãm là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa đặc biệt. Tại Bạc Liêu đã tổ chức các đoàn tham quan, nhất là đoàn viên-thanh niên, học sinh-sinh viên để các em tiếp cận được nơi hội tụ bản sắc văn hóa- lịch sử này, giúp các em học sử, dung nạp kiến thức thiết thực nhất. Đây cũng chính là dịp hai tỉnh Ninh Bình-Bạc Liêu giao lưu văn hóa để hiểu nhau thêm, thắt chặt hơn nữa mối tình kết nghĩa; làm dày thêm những công trình, phần việc mang tên hai vùng đất mà bấy lâu nay hai tỉnh đã đồng tâm vun bồi, xây đắp nên.
Mỹ Hạnh - Cẩm Thúy