Đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự còn có các đồng chí: Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ngô Thanh Bình, TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban chỉ đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Hùng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Ủy viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh trình bày Báo cáo thuyết minh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó nêu rõ, Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra và thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho quá trình đổi mới. Sau 20 năm thực hiện, đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Dự thảo hiến pháp sửa đổi có 11 chương, 124 điều. So với Hiếp pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương 23 điều; giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung mới 11 điều, quy định cụ thể về chế độ chính trị; quyền con người; chế độ kinh tế; bộ máy nhà nước; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia; Kiểm toán nhà nước…
Tại hội nghị đồng chí Đinh Ngọc Hà, TUV, Thường trực HĐND tỉnh đã trình bày Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ban chỉ đạo tỉnh yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai với các hình thức thích hợp đảm bảo tiến độ, chất lượng. Việc lấy ý kiến phải đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được đăng tải toàn văn trên Báo Ninh Bình; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hình thức lấy ý kiến nhân dân thông qua thảo luận tại các hội nghị, hội thảo; góp ý trực tiếp bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm hoặc đến Ban chỉ đạo tỉnh; qua các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác. Đối tượng lấy ý kiến, bao gồm đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; các Ban xây dựng Đảng; Công an tỉnh; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; các sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan thông tấn, báo chí; các doanh nghiệp; các tầng lớp nhân dân… Về tiến độ thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai, lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo cấp tỉnh trong 2 đợt, đợt 1 từ ngày 30/1-10/3/2013; đợt 2 từ ngày 11/3-29/3/2013.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh đề nghị các cấp, các ngành căn cứ vào Kế hoạch của Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể cho địa phương, đơn vị mình nhằm triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban MTTQVN các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp với các thành phần là đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận; các tổ chức xã hội khác; các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sỹ, trí thức, luật gia, tôn giáo. Các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần nêu cao trách nhiệm trong việc quán triệt, triển khai, kiểm tra, giám sát lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách. Qua đó phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện được ý trí và nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Quốc Khang