Cùng dự có đại diện một số Ban xây dựng Đảng của Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo 55 cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, 55 doanh nghiệp kết nghĩa; lãnh đạo các huyện, thành phố, bí thư đảng ủy 55 xã đặc thù.
Hội nghị đã nghe đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy công bố Quyết định 140-QĐ/TU và Quy định 141-QĐ/TU ngày 1/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, đối với các cơ quan, đơn vị được phân công, định kỳ mỗi tháng ít nhất một lần lãnh đạo phải xuống xã được phân công phụ trách để theo dõi, nắm tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị; diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở xã đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết, theo dõi việc giải quyết các vấn đề này.
Tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ xã xây dựng chương trình, kế hoạch và tìm các giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng… nhất là những lĩnh vực còn nhiều hạn chế để tạo chuyển biến rõ nét.
Đối với các doanh nghiệp kết nghĩa, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để giúp đỡ, hỗ trợ xã đặc thù trong việc dạy nghề, giải quyết việc làm; liên doanh, liên kết trong sản xuất; tham gia giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng… Các địa phương có trách nhiệm báo cáo kịp thời, trung thực tình hình ở xã và phối hợp thực hiện hiệu quả Quy định này. Các chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết cũng được quy định cụ thể.
Đặc biệt, Quy định 141 cũng nêu rõ: kết quả phụ trách các xã là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại hàng năm đối với tập thể, cá nhân cán bộ diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến, đề xuất nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đó là: đề nghị các sở, ngành, đơn vị được phân công sớm có kế hoạch, khảo sát đánh giá kỹ thực trạng của các xã phụ trách, nắm rõ những lợi thế, khó khăn của địa phương; có phương hướng giúp đỡ cụ thể theo từng thời gian và công việc; cần lựa chọn những công việc cần thiết, phù hợp để triển khai trước; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo giữa các đơn vị…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hướng về cơ sở, gắn bó với đời sống nhân dân là một chủ trương rất quan trọng của Đảng ta. Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều việc làm thiết thực để cụ thể hóa chủ trương này. Việc phân công các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp ủy viên, đảng viên phụ trách, giữ mối liên hệ với cơ sở không phải là chủ trương mới mà là tiếp tục thực hiện với quyết tâm mới, cách làm mới nhằm mục đích đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể.
Đây cũng là cơ hội tốt để các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách xã gắn bó, sâu sát với cơ sở, có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cơ sở ở lĩnh vực chuyên môn công tác của mình, đồng thời cũng là điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giúp cán bộ các cơ quan, đơn vị của tỉnh nắm rõ hơn về tình hình ở cơ sở, có thêm kinh nghiệm thực tiễn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn của mình, tham mưu, đề xuất nhiều chính sách sát với thực tiễn.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động kết nghĩa, giúp đỡ xã đặc thù, mối quan hệ gắn bó giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, các doanh nghiệp và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương trong tỉnh sẽ ngày càng bền chặt hơn nữa.
Để Quyết định này nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp được phân công cần quán triệt nghiêm túc một số yêu cầu, nhiệm vụ, đó là: các chương trình, kế hoạch thực hiện Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải đảm bảo rõ việc, thiết thực, hiệu quả, không gây phiền hà, tốn kém cho cơ sở và hướng đến mục tiêu giúp đỡ các xã đặc thù vươn lên phát triển, trở thành những địa phương khá và mạnh trong tỉnh.
Với phương châm "xã là chính, cơ quan, đơn vị phụ trách là quan trọng, doanh nghiệp là cần thiết", các xã đặc thù không được trông chờ, ỷ lại; cần phải chủ động, tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ; kịp thời báo cáo đúng thực trạng tình hình của địa phương cho các cơ quan, đơn vị phụ trách và huyện, thành phố.
Các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách xã đặc thù phải thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, những lợi thế, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của xã, từ đó thống nhất những nội dung cụ thể để giúp đỡ, hỗ trợ trong từng tháng, từng quý, đảm bảo rõ người, rõ việc.
Trong quá trình triển khai cần thực hiện tốt phương châm "sâu sát cơ sở, nói đi đôi với làm", tránh việc triển khai hình thức, mang tính phong trào, hô hào khẩu hiệu nhưng hiệu quả thấp.
Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trong toàn tỉnh hưởng ứng, tham gia triển khai thực hiện chủ trương này theo khả năng của mỗi doanh nghiệp.
Các huyện, thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với các xã khó khăn, đồng thời có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đơn vị được phân công để nghiên cứu, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của xã.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Đài truyền thanh các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc triển khai chủ trương này, tạo sự đồng thuận và lan tỏa trong quần chúng nhân dân.
Đào Duy-Thế Minh