Hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) và nhân ngày thế giới phòng, chống AIDS (1-12), đồng thời triển khai thực hiện tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã phát động toàn tỉnh thực hiện tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 từ 10-11 đến 10-12-2015 với chủ đề "Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam".
Như chúng ta đã biết, đại dịch AIDS không chỉ gây ra hậu quả lớn về kinh tế- xã hội mà còn để lại bao nỗi bất hạnh cho bản thân người nhiễm HIV và gia đình họ. HIV là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể tấn công bất kì ai, lan nhiễm HIV không phân biệt tuổi tác, gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội…. Nếu không hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không thực hiện các hành vi an toàn đều có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS. Do vậy, để vận động và truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS, tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Theo báo cáo của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tình hình phát hiện người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS cũng đã giảm tương đối nhiều. Tính đến ngày 30-9-2015, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta là 3.634 người, trong đó, tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.638 người; tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống là 962 người, tổng số tử vong do AIDS là 1.034 người. Trong 9 tháng năm 2015 các cơ sở y tế đã phát hiện 92 trường hợp nhiễm HIV, (giảm 53 người so với năm 2014); 42 trường hợp bệnh nhân AIDS (giảm 39 người so với năm 2014) và 15 trường hợp tử vong do AIDS (giảm 6 người so với cùng kỳ năm trước).
Để thiết thực hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2015, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp… căn cứ vào điều kiện cụ thể có thể tổ chức các hoạt động như: hội nghị, hội thảo, gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, nói chuyện, tiếp xúc với những người có HIV… đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động để mọi người, mọi nhà có sự hiểu biết đúng và từ đó tích cực hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS (1-12). Con đường lây truyền HIV/AIDS qua việc sinh hoạt tình dục không an toàn, qua đường máu và từ mẹ sang con. Do vậy, biện pháp phòng lây nhiễm HIV là sống lành mạnh, chung thủy, không quan hệ tình dục bừa bãi; không tiêm chích ma túy, không dùng chung bơm, kim tiêm và chỉ truyền, nhận máu đã được xét nghiệm không có HIV; người phụ nữ đã có HIV muốn sinh con cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm cho con. Mọi người hãy hưởng ứng tháng hành động bằng cách những người chưa bị nhiễm HIV cần nhận thức đúng để phòng nhiễm cho mình và chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc, không kỳ thị, phân biệt đối xử với người đã bị nhiễm HIV/AIDS. Những người nếu có nghi ngờ hãy xét nghiệm HIV sớm để bảo vệ chính mình. Còn với những người đã được chẩn đoán nhiễm HIV hãy tích cực điều trị ARV và duy tốt việc tuân thủ điều trị để đảm bảo cho mình sức khỏe và làm giảm khả năng lây nhiễm cho người khác. Mỗi một hành động của tất cả mọi người từ hôm nay về phòng, chống HIV/AIDS sẽ góp phần đạt được mục tiêu to lớn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Nguyễn Đông