Dấu ấn từ đơn vị làm điểm
Trước khi triển khai Quyết định 140 trên địa bàn toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy triển khai thực hiện điểm của tỉnh đối với xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh. Ngay sau khi được phân công, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp kết nghĩa tiến hành khảo sát, nắm tình hình của xã Khánh Hồng, nhất là những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất và đi đến thống nhất xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Theo kết quả khảo sát đối với xã Khánh Hồng, ngoài những khó khăn về kinh tế, trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động của các chi ủy chi bộ ở địa bàn thôn, xóm vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Để khắc phục và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các chi bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tập trung giúp xã tiến hành rà soát, phát hiện, xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...
Đồng thời tư vấn, tham gia ý kiến với chi bộ và đảng ủy thực hiện tốt hơn công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên; tạo nguồn phát triển đảng viên mới. Đặc biệt là phân công cán bộ, chuyên viên của Ban phối hợp với đảng viên chi bộ cơ quan xã về dự sinh hoạt định kỳ với các chi bộ thôn, xóm; dự các hội nghị chi bộ cơ quan xã và hội nghị đảng ủy xã để nắm tình hình; hướng dẫn giúp xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, chống lấn chiếm hành lang đường giao thông thôn, xóm đến năm 2020 và những năm tiếp theo"; phối hợp với các doanh nghiệp tập trung hỗ trợ xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới như: làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn, xã, trường học, trạm y tế, chợ…, nhờ đó năm 2016, Khánh Hồng đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hồng cho biết: Khi có các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên của Ban Tổ chức Tỉnh ủy dự sinh hoạt, công tác chuẩn bị nội dung chương trình của các chi bộ đảm bảo chặt chẽ, bài bản hơn, không khí sinh hoạt chi bộ có sự cởi mở hơn, các đảng viên cũng tích cực phát biểu ý kiến xây dựng Nghị quyết chi bộ. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề.
Để chủ trương thực sự đi vào cuộc sống
Kết quả từ đơn vị làm điểm đã có tác động tích cực đến việc triển khai thực hiện ở 54 xã đặc thù còn lại, được dư luận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình cao và tích cực hưởng ứng.
Đồng chí Phạm Đình Vinh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Để có được kết quả đó, ngay từ ban đầu, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định 141, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách, các doanh nghiệp kết nghĩa và các xã đặc thù.
Quán triệt phương châm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "xã là chính, cơ quan, đơn vị phụ trách là quan trọng, doanh nghiệp kết nghĩa là cần thiết", các cơ quan, đơn vị phụ trách đã tích cực, chủ động phối hợp với xã và doanh nghiệp kết nghĩa khảo sát toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị…, qua đó nắm vững những thuận lợi, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc để bàn bạc, thống nhất xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ những nội dung công việc trọng tâm cần thực hiện của cơ quan, đơn vị, của doanh nghiệp và xã đặc thù phải triển khai trong từng tháng, quý, cả năm. Trong quá trình thực hiện, nhiều cơ quan, đơn vị phụ trách và doanh nghiệp kết nghĩa đã có nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong việc tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các xã đặc thù trên các lĩnh vực như:
Đối với phát triển kinh tế, đã tập trung tư vấn, giúp đỡ các xã trong thu hút đầu tư; đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm; chuyển giao công nghệ, ứng dụng KHKT vào sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…Vì vậy, bức tranh kinh tế của các địa phương đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của người lao động được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm.
Trong xây dựng nông thôn mới, đã tư vấn, giúp đỡ các xã đặc thù về công tác quy hoạch; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở xã, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế; làm đường giao thông nông thôn; nâng cấp hệ thống lưới điện, nước sạch nông thôn; giữ gìn vệ sinh môi trường... Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị phụ trách đã tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, công tác xây Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên; hoạt động của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở có hiệu quả hơn; đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều đổi mới về tư duy, phong cách, lề lối làm việc. Đồng thời các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có thêm điều kiện gần gũi, sâu sát, chia sẻ khó khăn với cơ sở, học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm từ thực tiễn…
Có thể khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn, cách làm mới có hiệu quả cao. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay các cơ quan, đơn vị phụ trách và doanh nghiệp kết nghĩa đã giúp đỡ, hỗ trợ các xã đặc thù với tổng giá trị trên 33 tỷ đồng, có 9 xã đặc thù về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới toàn tỉnh lên 64 xã, trong đó có 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tin tưởng rằng, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, việc triển khai thực hiện Quyết định 140 sẽ ngày càng lan tỏa, đi sâu vào đời sống xã hội, tạo sức bật mạnh mẽ, đưa các xã đặc thù bắt kịp đà phát triển của các địa phương trong tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra, xây dựng quê hương Ninh Bình giàu đẹp, văn minh.
Đào Duy